Nhiều người trong cuộc sống đời thường rất đỗi trầm tĩnh, thậm chí hơi tẻ nhạt. Song khi lên facebook, họ lột xác. Ví dụ thì đầy. Người bên cạnh tôi là một. Bình thường anh luôn hiền lành, luôn cười góp trong những cuộc buôn chuyện xuyên lục địa tưng bừng, ồn ào không cách nào kiểm soát được của mọi người trong cơ quan. Nhưng mỗi khi anh “đăng đàn” trên facebook, ai cũng choáng váng bởi sự trào phúng, hài hước, tháo bỏ hết, tếu táo không giới hạn. Hôm vừa rồi là một status khiến mọi người cười lăn cười bò: Trân trọng kính mời bạn bè gần xa, bà con khối phố đến dự buổi bảo vệ tiến sỹ cấp nhà nước vào hồi 11h ngày 29 tháng 2 năm 2017, Tại Hội trường Lộc Hà, Đông Anh, Hà Nội. Và hình ảnh là dòng chữ: Luận án tiến sĩ với đề tài: Quản lý gái mại dâm theo mã vạch.
Nhưng facebook không chỉ có thế. Facebook của bạn bè tôi có lượng người theo dõi lên đến hàng mấy chục nghìn, không phải chỉ vì các bạn đó là nhà báo, phóng viên, nghệ sĩ, doanh nhân… mà bởi vì người đọc “nghiện” những bài viết có tính chất sống động, ăm ắp thực tế và sục sôi những cảm xúc. Có lẽ người ta đã dự báo không sai về sự “biến mất dần” của báo in, thậm chí, cả báo điện tử trong một tương lai không xa, thay thế vào đó là sức mạnh truyền thông của mạng xã hội. Chẳng cần phải là một người viết facebook chuyên nghiệp, một nhà văn hay nhà báo, nghệ sĩ, mà nhiều khi, chỉ là một người bình thường song có khả năng viết thì lâu dần sẽ cuốn hút người đọc, người xem. Tôi nhớ đã có lần mất trọn vẹn một ngày để đọc toàn bộ bài viết và các comment cũng như các đường linhk của N.N.H – phóng viên của báo An ninh thế giới khi bạn đó viết về vấn đề thủy điện. Phải có đến hàng mấy trăm comment mang tính chất xây dựng, phân tích, lý giải rất thấu tình đạt lý về vai trò, ý nghĩa, sự thay đổi… của các công trình thủy điện. Có nhiều ý kiến có hàm lượng chất xám rất cao, rất đáng để các nhà hoạch định chính sách tham khảo. Cuộc trò chuyện bằng bàn phím này đã hơn cả một hội nghị lớn. Đặc biệt, mỗi khi có một comment nào có khuynh hướng khiêu khích, chửi đổng, đụng chạm hay đi quá xa chủ đề là chủ "thớt" đã kịp thời chấn chỉnh và kiểm soát ngay. Ai đã dùng facebook đều thấu hiểu việc quán xuyến các comment cứ đến chiu chíu liên tiếp khó chẳng khác gì đỡ đạn tiểu liên. Một facebook “sạch” là một facebook biết đóng góp, xây dựng, bàn rộng và bàn sâu hơn những vấn đề được xã hội quan tâm, nhưng rộng và sâu đến đâu để không thành cái chợ chính là mục tiêu của những người chơi facebook chuyên nghiệp. Một nguyên tắc bất di bất dịch mà các chủ thớt đều quy định: “Tuyệt đối nhớ điều này: Không tranh luận trong facebook của người khác, muốn bực bội gì về facebook của mình mà xả”.
Còn cô bạn nữa của tôi thì đã có rất nhiều thay đổi kể từ ngày sử dụng facebook với mục đích “hai trong một”. Ai biết côý bên ngoài cũng thấy lạ khi thấy cô trong facebook. Bên ngoài nàng rất mờ nhạt, không phải là hiền mà là lành, là ruồi đậu không dám đuổi. Vậy mà facebook của cô ấy thì ngang tàn, mạnh mẽ bằng 500 anh em cộng lại. Cũng là nhà báo, rất hay phải tiếp xúc với tội phạm và được biết tường tận về quá trình phạm tội của bọn chúng nên facebook của cô này hút bạn đọc nhất bởi những “bếp núc” của các cuộc gặp gỡ tội phạm. Cũng nhờ thu hút được lượng bạn đọc đông đảo, cô đã tập tành kinh doanh trên đó và thế giới ảo của bạn này đã đem lại những lợi nhuận thật. Giờ thì các bạn của cô ấy thường xuyên được đọc những status kiểu “đầu ngô mình sở” nhưng rất dễ khiến người ta nhào dô để mua hàng. Toàn là đồ ăn và vật dụng gia đình, đằng nào chả phải sắm sanh sử dụng, cô bán hàng lại còn rất phong cách như thế, mua thôi!
Lại có bạn nhà văn bán truyện của mình rất đắt hàng nhờ biết tiếp thị trên facebook. Ai cũng biết các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… là chúa “sĩ”, coi “cái tôi” của mình rất lớn, nên đừng mong họ xuống nước thừa nhận họ đang pr cho chính họ và sản phẩm của họ nhé. Nhưng chàng này thì khác. Chiêu chính của chàng là quăng một nửa hoặc một phần quan trọng, gợi cảm nhất của câu chuyện rồi đến lúc cả mấy chục nghìn bạn đọc đang ngấu nghiến thì: “Đang cần nhiều động lực để hoàn thành bản thảo cuốn này, mọi người like dạo lấy chút cảm hứng cái nào!”… Chuyện của nhà văn trẻ được ưa chuộng vì tính thẳng thắn, hài hước và tếu táo nhưng cũng rất sâu sắc, song tự nó không thể khiến bạn đọc “phát cuồng” lên được đến thế nếu không nhờ facebook. Và hơn ai hết, chàng nhà văn rất chịu khó kích cầu bằng cách thường xuyên đăng những mẩu chuyện ngắn hóm và tếu tạm coi là khuyến mãi cho bạn đọc.
Nhiều người đã biết rõ sức mạnh của mình qua facebook, đó là chuyện bình thường, nhưng các thương hiệu, mặt hàng bằng cách nào đó cũng biết về sức mạnh của những người chơi facebook mới là điều đáng bàn trong thế giới ảo mà thực. Các bạn của tôi đã được các nhãn hàng thương hiệu tìm đến để giúp họ khuếch trương thương hiệu, tăng lượng mua thông qua kênh người theo dõi facebook của họ. Chả thế mà thi thoảng, trong một vài cái status rất nghiêm túc, chẳng hạn như lý giải vì sao Bộ Tài chính lấy ý kiến về Dự thảo tăng thuế môi trường cho mỗi lít xăng tối đa đến 8 nghìn/lít, sau khi phân tích về nguyên nhân và đề xuất kiến nghị, bỗng dưng lại có đoạn cuối “Còn giả không bỏ được những thứ tôi vừa kiến nghị, các anh chị nên sử dụng sản phẩm CumarGold.Đơn giản, cứ bia rượu hay cứ cãi nhau với nỗi niềm của ông Vụ phó như thế này mãi thì chắc chắn 100% dạ dày của chúng ta sẽ có vấn đề nghiêm trọng. Mà CumarGold là sản phẩm điều trị viêm loét dạ dày cực tốt”. Bạn đọc thông minh không lẽ không hiểu. Vậy đó, cách quảng cáo chỉ là như vậy thôi, nhưng hiệu quả là cái chắc.
Facebook không ảo, may ra giờ chỉ còn mấy bạn trẻ trâu là còn bận mải viết status sến súa thả thính kiểu cần tuyển ô shin song lại đăng “Muốn có một mối quan hệ không phải bạn, chẳng phải người yêu” là còn nghĩ vậy thôi. Còn thì ai cũng đang thực lòng cùng facebook!