Cụ thể, ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ. Nghị định mới có nhiều bổ sung, chỉnh lý về nhiệm vụ quản lý nhà nước trong ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công…hướng đến sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các nhiệm vụ của Bộ trong các lĩnh vực xuất- nhập khẩu, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, kinh tế số…cũng có những điều chỉnh, bổ sung để khai thác lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định lại cơ cấu tổ chức (sau khi chia tách, sáp nhập) của Bộ Công Thương gồm 30 đơn vị, giảm 5 đơn vị trực thuộc Bộ so với cơ cấu tổ chức cũ; đồng thời quy định thành lập các phòng trong Vụ, Cục cũng giảm nhiều so với cơ cấu cũ.
Những quy định trên có tác động đến số lượng lớn các đơn vị, nhiều cán bộ đảng viên là lãnh đạo quản lý, chuyên viên trực thuộc Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Do đó, để nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị định số 98/2017/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương yêu cầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ tăng cường lãnh đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị để tạo quyết tâm, đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền về sự cần thiết và lý do cần điều chỉnh về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức để phù hợp với những nội dung mới của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, của văn bản pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành trong giai đoạn từ 2012 trở lại đây. Ngoài ra, sau một thời gian hoạt động, tổ chức bộ máy của Bộ vẫn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; vai trò, vị thế và mô hình tổ chức của một số đơn vị thuộc Bộ chưa đủ tầm, chưa đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ được giao như lĩnh vực quản lý thị trường trong nước, phát triển các ngành công nghiệp.
Nắm bắt tình hình tư tưởng trong cơ quan, đơn vị nhất là đối với cán bộ, đảng viên có thay đổi vị trí việc làm, phát hiện những vấn đề nảy sinh và đề ra các biện pháp cụ thể, khả thi giải quyết.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền giáo dục, phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Đảng ủy Bộ.
Tập trung cho công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ nhanh chóng đưa cơ quan đơn vị vào hoạt động ổn định.
Khẩn trương lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham mưu cho Bộ để ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình phù hợp với các quy định mới, đồng thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đối với các cấp ủy được Đảng ủy Bộ chỉ định do chia tách, sáp nhập, thành lập mới tiến hành ngay công tác phân công nhiệm vụ cho các ủy viên, đồng thời xây dựng các quy định, quy chế, kế hoạch, chương trình công tác năm 2017 và lãnh đạo triển khai thực hiện.
Thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 15/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời với xây dựng quy hoạch các cấp ủy cần phải xây dựng Kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp sử dụng các chức danh cán bộ theo quy hoạch. Tổ chức tốt đại hội chi bộ loại hình tổ chức 5 năm /2 lần theo hướng dẫn Đảng ủy Bộ trong tháng 9/2017.
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 98/2017/NĐ/CP.
Triển khai các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tình hình hiện nay”. Trách nhiệm gương mẫu đi đầu được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình; đến trong quan hệ đồng nghiệp, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức, kỷ luật phát ngôn, đoàn kết nội bộ.
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày để có tác dụng lan tỏa trong cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy năm 2017 đối với đảng viên thực hiện điều lệ đảng, thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị, nơi cư trú. Qua đó phát huy ưu điểm và hạn chế kịp thời những khuyết điểm của cán bộ đảng viên.
Các cấp ủy phải quan tâm đến công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên kịp thời, đúng quy định. Việc giải quyết các đơn thư, phản ánh của cá nhân đối với các tổ chức đảng, đảng viên phải được các cấp ủy nghiên cứu, xem xét, nếu có biểu hiện sai trái phải được uốn nắn điều chỉnh, xử lý kịp thời để tránh xảy ra vi phạm lớn.
Quan tâm kiểm tra việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát.
Tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế, quy định nội bộ nhằm công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở các quy định của Bộ, các cấp ủy chỉ đạo cơ quan, đơn vị, tự xây dựng quy chế, quy định nội bộ trong đó đặc biệt lưu ý cơ chế phối hợp giữa thủ trưởng với cấp ủy, công đoàn cùng cấp và việc thông báo công khai trong cơ quan, đơn vị các quy chế, quy định đó.
Xác định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong các cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận, theo tinh thần Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước được tập trung vào 3 trọng tâm: thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ.
Thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân để cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia xây dựng, bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng của cơ quan, đơn vị.
Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương yêu cầu các cấp uỷ trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên. Giao các ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc có trách nhiệm đôn đốc các tổ chức đảng thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả về Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ trước ngày 20/12/2017.