Không phải Trường Tiểu học Bản Khoang 1 chỉ cần vài click chuột là tìm thấy trên Internet. Đó chỉ là điểm dừng chân để chúng tôi dỡ hàng khỏi xe ô tô vì chặng đường phía trước ô tô không vào được mà thôi. Đích đến của chúng tôi là ngôi trường bé nhỏ, lặng lẽ, ngút sâu trong rừng rậm, từ trường Tiểu học Bản Khoang 1 còn phải vào sâu thêm 8 km nữa. Trường không tên, không biển, người dân gọi nôm na đó là Trường Bản Khoang 0. 0 nghĩa là ra đời sau Bản Khoang 1, nhưng 0 cũng có nghĩa là không có gì, rất thiếu thốn và cô đơn.

Dù không muốn so sánh hai ngôi trường cùng tên để nói về hai số phận bởi giống như mọi trường học vùng cao trên khắp dải đất hình chữ S này thì Bản Khoang 1 cũng có vô vàn những khó khăn, song việc ngẫm ngợi cứ chợt đến chợt đi khi vừa rời Bản Khoang 1 để đặt chân đến Bản Khoang 0. Ai cũng thấy thấm thía vô cùng cái khoảng cách vời vợi giữa 0 và 1. Chỉ cách nhau 8 km nhưng đó là khoảng cách giữa văn minh và lạc hậu, khoảng cách giữa nhớ và bị quên. Bởi 8 km đó là 8km hiểm trở, dốc đứng và dài dằng dặc là những tảng đá hộc to bằng cái nồi xếp nằm la liệt, ngang ngược suốt dọc đường đi, chỉ mỗi hai phương tiện đi lại “tương thích” là xe máy và đi bộ. Đó là nguyên nhân chính khiến cho Bản Khoang 0 cứ xa mãi ngút ngàn, chẳng có đoàn công tác nào đến thăm và nhận được rất ít sự quan tâm của cộng đồng, xã hội…

Vậy mà chúng tôi đã chọn nơi này làm đích đến cho hành trình từ thiện của mình. Trường Tiểu học Bản Khoang 0 chỉ có 130 học sinh từ mầm non đến lớp 5 cùng 20 thầy cô giáo cắm bản. Dãy hàng rào bằng thép vừa mới được thầy cô giáo xoay sở dựng lên, mấy luống hoa màu cùng vườn hoa cây cảnh mới trồng vẫn còn đang lún phún, chưa ra hình dạng, dăm cây trạng nguyên còn chưa bén rễ vẫn đang rũ xuống. Nhưng nhìn kìa, chiều đến, tíu tít như bầy chim các bạn bé xíu lễ mễ xách xô nước to tưới cây, vài bạn bé quá rủ nhau cùng bê một thau, vừa đi vừa trò chuyện vui đáo để. Từ ngày có hàng rào, cô trò chăm chút lắm, chiều nào cũng vun xới, tưới tắm, chứ như lúc trước, chả có hàng rào lợn gà nhà dân vào phá phách, khung cảnh sân Trường chả có gì, trống huơ trống huyếch, không nói ai cũng tưởng nhà dân. Phía trước là núi, phía sau là núi, không có sóng điện thoại nào lạc vào đây, không có đoàn khách nào đến chơi, Bản Khoang 0 như một ốc đảo và con đường duy nhất nối với thế giới bên ngoài tạm cho là văn minh hơn bởi có sóng điện thoại, có ô tô, có khách đến thăm quan, từ thiện thì lại gập ghềnh, khúc khuỷu, hiểm trở đến thế. Nên chưa ai biết đến Bản Khoang. Nên Bản Khoang đã 10 tuổi rồi mà vẫn là Bản Khoang 0 tròn trĩnh.

Nhưng có đến nơi đây mới thấy những suy nghĩ đầy thân phận ấy không có chỗ. Dù thiếu thốn song Bản Khoang 0 vẫn là một tổ ấm của 150 thầy trò đang ngày đêm miệt mài gieo các con chữ. Trẻ con nơi nào cũng hồn nhiên, ngây thơ và đáng yêu. Chắc có lẽ còn lâu lắm chúng mới lớn khôn, còn lâu đôi chân mới đủ dài, đôi tay đủ rộng để leo qua hết những dãy núi, để biết đến phía bên kia sườn dốc có một cuộc sống rất khác. Hằng ngày chúng mải miết trèo đèo leo dốc đến trường học chữ, mải mê với những trò chơi bập bênh, xích đu, đuổi bắt, ngã xóng xoài ra đất rồi chả buồn phủi quần áo cứ thế ngồi dậy chơi tiếp với những tràng cười như nắc nẻ. Các thầy cô giáo của trường thì đến từ nhiều huyện, xã của Lào Cai và đặc biệt rất nhiều từ Phú Thọ. Trước họ cũng học ở các nơi, cũng có nhiều người học ở Hà Nội, nhưng rồi vì duyên nghiệp họ về đây cắm bản làm nghề gõ đầu trẻ. Hàng tuần, hàng tháng thay phiên nhau trên chiếc xe máy, họ lại bồng bềnh 8km đường rừng về thăm ông bà, bố mẹ, chồng, vợ, con của họ như để lấy lại cân bằng. Cuộc sống cứ thế trôi đi đan xen giữa hiện thực và ước mơ.

Chúng tôi là đoàn khách đầu tiên đến với Bản Khoang 0. Quà chúng tôi mang lên cho các em học sinh là quần áo, tất tai, sách bút, ủng giầy, bánh kẹo, mỳ tôm Vifon... Còn cho thầy cô giáo là xoong nồi, bát đĩa, dao thớt, gia vị mắm muối, dầu ăn, khăn quàng,… Có cả một cái chảo parabol để bắt sóng truyền hình cho chiếc tivi duy nhất của trường. Những ngày chuẩn bị cho chuyến đi chúng tôi cứ cảm thấy hơi buồn cười vì những đề xuất về quà tặng của thầy hiệu trưởng Giang, song lên đến đây mới thấy vốn sống của mình còn hạn hẹp quá. Sự thiếu trước hụt sau của cuộc sống thầy trò nơi đây không thể nào giấu nổi. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của các con khi nhận quà, nụ cười hiền lành của các thầy cô khi nhận từng chai dầu ăn, cái thớt, con dao, chiếc cặp lồng, chồng bát men sứ… toàn những đồ gia dụng bình dân ở dưới xuôi khó có thể gọi là quà vậy mà lại khiến thầy trò mừng rỡ, hạnh phúc vô cùng. Một cảm giác khó tả ngập tràn lòng chúng tôi. Sau nhiều năm, nông thôn đã tiến gần với thành thị, khoảng cách giàu nghèo đã ngày càng được thu hẹp, miền núi đã gần hơn với đồng bằng, vậy mà hạnh phúc vẫn luôn là chiếc chăn hẹp đến thế sao?

Câu hỏi cứ ám ảnh mãi trong tôi cho đến khi được trò chuyện với các thầy cô giáo, đặc biệt là Trọng. Trọng là một thầy giáo đã có đến gần 10 năm gắn bó với Bản Khoang 0. Em học sư phạm ở Hà Nội, rồi có vài năm trước khi lên đây em làm xe ôm chở khách đường dài để mưu sinh. Trong đoàn thầy cô giáo ra đón chúng tôi ở Trường Bản Khoang 1 em không có mặt từ đầu là vì em vừa ở quê lên đến nơi thì được báo là hỗ trợ đoàn chở khách vào trường, sau lưng em buộc chắc chắn chiếc lồng có hai con gà được mang từ dưới quê lên và phía trước là một bịch hàng mà sau khi lên xe em bảo là hoa quả thực phẩm của nhà trường cả tuần lễ. Phía sau cùng của đuôi xe máy là mấy tuýp ống nhựa Tiền Phong em mang lên để sửa chữa đường ống nước cho nhà trường vì hôm vừa rồi bị hỏng. Leo lên xe ngồi giữa Trọng và… hai con gà, tôi không hề biết rằng ngay sau đó sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của mình. Con đường dốc đá lổn nhổn xóc tung người hai bên là vực cao cứ thế hiện ra dưới bánh xe. Đường hiểm trở, gập ghềnh kinh khủng, có cảm giác như chúng tôi đang cưỡi ngựa. Nhưng câu chuyện Trọng kể về cuộc sống của thầy trò ở Bản Khoang 0 dọc hành trình đã không cho phép tôi được tỏ ra sợ hãi, run rẩy. Có cái gì đó thật khó chấp nhận nếu giờ phút này đây bộc lộ sự yếu đuối sợ hãi này trước những vất vả, gian nan, thiếu thốn đã thành quen thuộc của những thầy cô giáo nơi đây. Hơn 1 tiếng đồng hồ trôi đi trong cảm giác nghẹt thở cố giấu và cả những xúc cảm trong câu chuyện bình dị của Trọng. “Vùng núi mà, phải khác với đồng bằng chứ chị. Mỗi tháng xe em thay dầu một lần, một năm 2 lần thay nhông xích, bi thì liên tục thay vì vỡ, cô giáo cũng như thầy giáo đều phải đi con đường này mỗi tuần, ngã thì dậy đi tiếp, đau thì nghỉ một lúc đỡ lại đi, trong xe bọn em luôn mang sẵn đồ sửa vì đường rừng chả có ai giúp đâu. Lương tháng khoảng hơn 5 triệu, mang về cho vợ con 3, mình chỉ tiêu 2 thôi, muốn mua cho các con mấy bộ cờ vua thay bộ cũ đã hỏng mà mãi vẫn chưa thực hiện được. Các con vậy thôi mà vừa rồi thi cờ vua đoạt giải cấp huyện chị ạ. Mãi rồi cũng quen thôi. Ai chả phải kiếm lấy một công việc, một nghề nghiệp, bọn em đã chọn nghề này và nơi này thì trường nào chả vậy. Yêu nghề thì chẳng dám nói vì hoa mỹ quá, chỉ nghĩ là trách nhiệm với công việc của mình, vì mình đã chọn công việc này mà…”

Lời thầy giáo vùng cao làm tôi muốn khóc. Nhưng tôi chợt nhận ra mọi lời ngợi ca hay than khóc về hoàn cảnh của những thầy trò Bản Khoang 0 đều chẳng có ý nghĩa gì. Vì họ chưa bao giờ bi quan về hoàn cảnh của mình cũng như chưa bao giờ nghĩ rằng những việc họ làm là phi thường, những khó khăn hàng ngày phải trải qua là lớn. Được sống và làm công việc có ích cho cuộc sống, khó khăn thì nơi nào chẳng có. Ngã đau thì đứng dậy khóc chút thôi rồi đi tiếp vì phía trước vẫn còn có con đường, con đường đó dẫn đến trường, đến tổ ấm bé nhỏ của những thầy cô yêu nghề và các con hiếu học. Bản Khoang của tôi!


                                                  Bữa sáng ấm áp cùng mỳ tôm Vifon
Thuy Miny