Khắc phục gian khó, xóa được tình trạng "đói điện"
Ngay khi thành lập, CPMB chỉ có gần 30 CBCNV, với nhiệm vụ đại diện Công ty Điện lực 3 là chủ đầu tư để điều hành một số ít dự án lưới điện 35kV, 110kV và 220kV trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật, trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động.
Giai đoạn này, Miền Nam thiếu điện gay gắt, ngay tại TP. Hồ Chí Minh, vào mùa khô phải luân phiên cắt điện tới 5 lần mỗi tuần. Miền Trung cũng rơi vào tình trạng “đói điện”, toàn miền Trung chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ, rải rác.
Những người làm công tác quản lý dự án truyền tải điện đã khắc phục gian khổ, khẩn cấp xây dựng hàng loạt các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện 110, 220 KV tuyến Vinh - Quảng Ngãi để truyền tải điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, khắc phục tình trạng cắt điện thường xuyên trong suốt hàng chục năm trước đó, đánh dấu bước phát triển của ngành Điện nói chung và Hệ thống lưới điện Quốc gia nói riêng.
Đến năm 1990 các đường dây 220-110kV từ Vinh vào Đà Nẵng được hoàn thành. Đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới đóng điện vận hành tạm với cấp điện áp 110kV và thông qua Đường dây 110kV Đồng Hới - Đông Hà - Huế, ngày 31-07-1990, điện lưới Quốc gia được đưa vào Trạm biến áp 110kV Đông Hà, Trạm biến áp 110kV Xuân Hà (Đà Nẵng).
Bước đầu xóa được tình trạng đói điện ở Thành phố Đà Nẵng. Vào thời khắc này, người dân vô cùng phấn khởi, vì lần đầu tiên đón nhận ánh sáng từ điện lưới Quốc gia, đó chính là món quà tinh thần vô giá đối với tập thể Ban Quản lý công trình điện. Đến năm 1992, đường dây 110kV tiếp tục vào đến Quảng Ngãi rồi đến Bình Định, cung cấp với sản lượng khoảng 300 triệu kWh.
Giai đoạn 1991-1998, đội ngũ CBCNV được tăng lên 62 người, đáp ứng sự phát triển Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) với việc được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao quản lý nhiều dự án và các dự án có quy mô ngày càng lớn, như:
Đường dây 220kV Pleiku - Quy Nhơn, đóng điện năm 1994; Đường dây 220kV Krông Buk - Nha Trang và các Trạm biến áp 220kV Krông Buk, Trạm biến áp 220kV Nha Trang, đóng điện năm 1999, hệ thống đường dây và Trạm biến 35kV-110kV trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong công tác quản lý dự án của AMT.
Ngày 27/05/1994, Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 chính thức được đưa vào vận hành và sau khi chính thức chuyển đổi thành Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung vào ngày 28-06-1995, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, AMT đã phát triển cả về số lượng, chất lượng các dự án được giao, mở rộng khu vực hoạt động không chỉ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà còn vào các tỉnh phía Nam, ra các tỉnh phía Bắc.
Từ năm 1999, đánh dấu những mốc son trong quá trình trưởng thành của AMT với các công trình được hoàn thành, như: Đường dây 500kV Yaly - Pleiku, đóng điện năm 1999, là dự án cấp điện áp 500kV đầu tiên được giao cho AMT thực hiện quản lý dự án (thời điểm mà các Ban A miền khác mới quản lý dự án đến cấp 220kV); Đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm, đóng điện tháng 04-2004, góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc - Trung - Nam và tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV của Việt Nam, đây là Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 quy mô lớn mà AMT được giao quản lý dự án.
Chỉ trong thời gian ngắn, các đường dây 500kV lần lượt được đóng điện đưa vào vận hành, như: Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng đóng điện tháng 11-2004; Đà Nẵng - Hà Tĩnh, đóng điện tháng 05-2005, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện trên diện rộng cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Các Đường dây 220kV mua điện Trung Quốc qua Hà Giang, như: Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang, Tuyên Quang - Thái Nguyên và đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn - Thái Nguyên đóng điện tháng 04-2007, Đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên đóng điện tháng 06-2008 là những công trình giải pháp mua điện từ Trung Quốc hữu hiệu và kịp thời nhất, đã "cứu" điện cho khu vực vùng Thủ đô trong năm 2007 và những năm tiếp theo ở thời kỳ Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng.
Việc hoàn thành những công trình lưới điện cấp bách, trọng điểm đảm bảo chất lượng đã được Lãnh đạo các cấp và Lãnh đạo EVN đánh giá cao về sự linh hoạt, quyết liệt. Có thể thấy được hầu hết các công trình phải đi qua địa hình hiểm trở, rừng rậm, đèo cao, suối sâu, sông rộng, vùng đồng lầy cát chảy, địa bàn hoạt động trải dài qua nhiều tỉnh/thành phố Miền Trung, Tây Nguyên đến một số tỉnh ở Miền Nam và Miền Bắc, nhiều công trình trọng điểm quốc gia phải thi công trong thời gian ngắn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, lũ lụt kéo dài,...
Những thành công trên chính là sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các địa phương và các đơn vị trong và ngoài ngành, cùng với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu không ngừng của CBCNV dưới sự điều hành linh hoạt và quyết liệt của tập thể lãnh đạo AMT, đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, quan trọng hơn nữa là sự thống nhất một lòng từ trên xuống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao và khẳng định được năng lực và xây dựng hình ảnh AMT.
Thành quả trên chính là kết quả của sự tận tâm, đoàn kết, cống hiến hết mình cho đơn vị, cho sự nghiệp phát triển của ngành Điện Việt Nam của CBCNV các thế hệ AMT.
Hình ảnh và văn hóa của EVNNPT lan tỏa đến mọi miền
Năm 2008, thời điểm Tổng công ty truyền tải Quốc gia (EVNNPT) được thành lập, CPMB chuyển qua trực thuộc EVNNPT vào ngày 01-07-2008. Đây được xem là thời kỳ mới cho sự phát triển của CPMB. Nhiều dự án, công trình trọng điểm cấp bách đã được khẩn trương đầu tư xây dựng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng, CPMB liên tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm cấp bách được EVNNPT giao, CPMB đã tập trung tổ chức thực hiện, bám sát vào các đường găng để quản lý điều hành, cụ thể như:
Ngay từ đầu, CPMB đã chủ động phối hợp cùng Tư vấn đi hiện trường để xác định địa điểm trạm, hướng tuyến đường dây; Tổ chức làm việc với các địa phương và hoàn chỉnh bổ sung ngay các thủ tục theo yêu cầu để UBND tỉnh/thành phố ra văn bản thỏa thuận địa điểm trạm và hướng tuyến đường dây; quan tâm đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng Tư vấn thiết kế, chất lượng và thời gian thẩm định phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán; thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao.
Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng để thực hiện song song các thủ tục (do khó khăn về thời gian thực hiện theo quy định) từ các Ban chức năng của EVNNPT, EVN và Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương để rút ngắn tối đa thời gian xử lý, thẩm định/phê duyệt nâng cao hiệu quả công việc; ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, lập tiến độ tổng thể của dự án báo cáo EVNNPT phê duyệt để điều hành, trong từng thời điểm dự báo các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến độ để có sự phối hợp chỉ đạo và điều chỉnh thích hợp; CPMB đã chủ động, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên với các Ban EVNNPT, giữa EVNNPT với EVN và các cấp liên quan để sớm ký hợp đồng vay vốn hoặc bố trí vốn cho dự án.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số của EVN/EVNNPT, trong năm 2021, CPMB đã và đang triển khai chiến lược tập trung vào công tác nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý dự án, nhất là trong đấu thầu, quản lý vật tư và giám sát tiến độ các dự án.
Cùng với việc đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình trọng điểm cấp bách, trải dài từ miền Bắc - Trung - Nam, mỗi CBCNV CPMB luôn luôn tự hào mang hình ảnh và văn hóa của EVNNPT đến mọi miền của tổ quốc, đó là 5 giá trị cốt lõi: Tuân thủ, Tôn trọng, Trách nhiệm, Tận tâm và Tin tưởng; cùng 5 chuẩn mực đạo đức: Tính nhân văn, lòng nhân ái; truyền thống đoàn kết, thống nhất; đảm bảo tính tuân thủ, sự tôn trọng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc; luôn lạc quan và tin tưởng; Và với 15 quy tắc ứng xử, 18 văn hóa giao tiếp, được vận dụng xuyên suốt trong công việc, trong cuộc sống, và trong mọi ứng xử tạo nên nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng EVNNPT.
Qua 35 năm xây dựng và phát triển của CPMB, Ban Chấp hành Đảng bộ AMT/CPMB đã thể hiện vai trò đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; bám sát và cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp, lãnh đạo và giải quyết đúng đắn các vấn đề về chiến lược, các nhiệm vụ cấp bách; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội; vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của đơn vị, là cơ sở quan trọng để Đảng ủy lãnh đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, Đảng uỷ luôn quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời triển khai quán triệt nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, CNVC, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động.
Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài; xác định đúng vai trò, vị trí, đặc điểm của từng tổ chức cơ sở đảng, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xác định công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên.
Mỗi một công trình truyền tải điện hoàn thành là một dấu ấn của những quyết tâm, nhiệt huyết cũng như những sáng kiến trong lao động. Những thành quả của CPMB trong suốt chặng đường 35 năm, đã thể hiện bản lĩnh, kinh nghiệm từ quá trình học hỏi, trau dồi nâng cao kỹ năng, kiến thức. Và hơn nữa, là kết quả của việc gìn giữ, phát huy tinh thần đoàn kết, trong đó, vai trò của tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên là hạt nhân.