Bánh chưng, bánh giầy - hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”, được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương thứ 6. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị dâng lên thờ cúng tổ tiên.
Đặc biệt đối với người dân Phú Thọ, nghề làm bánh chưng, bánh giầy đã trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được.
Từ tháng 5/2023, nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê và huyện Tam Nông đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Làng Xốm ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì được coi là nơi khởi phát bánh chưng dâng Vua Hùng. Từ năm 2017, người dân Hùng Lô đã xây dựng thành công thương hiệu “Bánh chưng Hùng Lô” và phát triển thành làng nghề truyền thống. Đến nay, bánh chưng Hùng Lô được lựa chọn là sản phẩm phục vụ ngành du lịch của tỉnh.
Bánh chưng tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon vì được lựa chọn kỹ các nguyên liệu từ gạo, đỗ, thịt; chọn lá dong rồi chuẩn bị (ngâm gạo, đỗ, vo gạo, pha thịt...) và quan trọng nhất là kỹ thuật gói làm sao cho chiếc bánh vừa vuông, vừa chặt. Công đoạn luộc bánh cũng quan trọng không kém. Thời gian luộc từ 6 đến 8 tiếng. Bí quyết để luộc bánh mau nhừ là khi luộc bánh cứ sau khoảng 1 giờ lại pha thêm một ít nước lã vào nồi nước đang sôi. Bánh chưng Hùng Lô còn hấp dẫn bởi sự chân tình của người dân nơi đây gắn với ngôi đình Hùng Lô cổ kính trên 300 năm tuổi.
Nếu như làng Xốm, xã Hùng Lô được coi là một trong những cái nôi của nghề làm bánh chưng ở Phú Thọ thì làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì lại là địa phương nổi tiếng với nghề làm bánh giầy và hội thi giã bánh giầy dâng Vua.
Ông Đỗ Quang Lê - nghệ nhân làm bánh giầy làng Mộ Chu Hạ cho biết: Làng Mộ Chu Hạ vẫn giã bánh giầy bằng cối đá, chày tre, đây là nét đẹp văn hoá truyền thống được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Đây cũng là bí quyết để làm bánh giầy thơm dẻ, trắng ngon chuẩn nhất mà không phải địa phương nào cũng làm được. Vào tháng Giêng và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, dân làng chúng tôi lại tổ chức hội thi giã bánh giầy để ôn lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và chuẩn bị những chiếc bánh giầy dẻo thơm, đậm đà dâng cúng tổ tiên.
Đây là cuộc thi được tỉnh Phú Thọ tổ chức hàng năm tại Lễ hội Đền Hùng nhằm tái hiện cuộc thi làm các lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương dựng nước. Đội giành giải Nhất sẽ được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước làm sản phẩm để dâng tổ tiên đúng vào ngày Giỗ Tổ - mùng 10/3 âm lịch năm kế tiếp.
Từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu, bánh chưng, bánh dày đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu nghĩa, được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống.