Môi trường tại các KCX, KCN vẫn phức tạp
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, 13/13 KCX-KCN trên địa bàn thành phố đã có trạm xử lý nước thải tập trung, khả năng xử lý hơn 50.000 m3 nước thải/ngày. Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCX và CN (Hepza), thừa nhận nhiều KCX và CN vẫn chưa khắc phục về môi trường. Mới đây, UBND thành phố ra quyết định phạt sáu KCN, tổng số tiền là 290 triệu đồng, trong đó, KCN Hiệp Phước, Cát Lái II: 75 triệu đồng. Bốn KCN còn lại là: Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Tây Bắc Củ Chi, Tân Tạo, mỗi khu 35 triệu đồng, do nước thải xả ra sau xử lý đều vượt quy chuẩn cho phép từ một đến bảy lần. Qua khảo sát thực tế, hiện nay, hệ thống kênh, rạch gần các KCX và CN của TP Hồ Chí Minh đều bị ô nhiễm nặng, riêng huyện Bình Chánh có 30 tuyến kênh bị ô nhiễm rất nặng.
Việc các KCN bị phạt do xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý nước thải chưa đạt chuẩn ra môi trường, cho thấy tình hình ô nhiễm môi trường tại các KCX và CN trong những năm qua thực tế mới tạm lắng xuống, đặc biệt ô nhiễm không khí vẫn chưa khắc phục được.
Theo số liệu thống kê, trong các KCX và CN, có 170/1.000 doanh nghiệp phát sinh khí thải, phần lớn là khí thải độc hại, hơi dầu, hơi a-xít, xi mạ, mùi hôi thối từ thuộc da,... nhưng chưa có hệ thống khử mùi, xử lý khí độc hại trước khi thải ra môi trường. Ðiển hình là Công ty Hào Dương (KCN Hiệp Phước) và một số doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, chế biến hải sản, nhuộm và xi mạ... có mùi hôi phát tán theo gió, rất khó ngửi. Người dân sống cạnh các KCX và CN than phiền là hằng ngày trực tiếp sử dụng nguồn nước ô nhiễm, hít thở bầu không khí ô nhiễm và kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp buộc các doanh nghiệp phải khắc phục việc xử lý nước thải, khí thải độc hại trước khi thải ra môi trường, nhưng đến nay sự việc vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Lý giải vì sao chậm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các KCX và CN, đại diện Hepza cho rằng, chủ trương di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực trung tâm vào các KCN tập trung là nguyên nhân cơ bản. Ngay cả chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài thiếu chọn lọc, nóng vội muốn lấp đầy diện tích KCN,... dẫn đến các KCN như: Lê Minh Xuân, Hiệp Phước, Tân Phú Trung, Tân Tạo,... trở thành 'bến đỗ' cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm, do máy móc, công nghệ lạc hậu.
Kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đầu năm 2011, các doanh nghiệp tại các KCX và CN chỉ có 1% có công nghệ tiên tiến, 4% ở mức khá, và có tới 51% công nghệ thấp. Ðây là nhân tố gây ô nhiễm môi trường.
Có một nghịch lý là, các KCX và CN như: Tân Bình, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Linh Trung... ra đời hàng chục năm, để đến khi ô nhiễm trầm trọng mới xây hệ thống xử lý nước thải và mất từ hai, ba năm đấu nối với doanh nghiệp, nhưng chất lượng nước thải sau xử lý cũng chỉ đạt loại B.
Quản lý chồng chéo là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng gây ô nhiễm. Chẳng hạn KCN Tân Phú Trung lúc đầu là tự phát, có doanh nghiệp được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp phép xả thải, có doanh nghiệp lại do UBND huyện Củ Chi cấp, nên rất khó kiểm soát việc các doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc chưa đạt chuẩn.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức phạt về hành vi vi phạm môi trường quá thấp làm các doanh nghiệp thà đóng phạt còn rẻ hơn làm hệ thống xử lý nước thải. Khi doanh nghiệp vi phạm rất khó áp dụng biện pháp buộc doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép đầu tư. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng chưa đồng bộ, không kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Có doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng hoạt động cầm chừng, hoặc không hoạt động để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 nhiệm kỳ 2011 - 2015 khẳng định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong sáu chương trình đột phá.
Những năm qua, thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục ô nhiễm môi trường, chỉ riêng cải tạo môi trường khu vực kênh Ba Bò, quận Thủ Ðức, đã tốn 744 tỷ đồng.
Ban quản lý Hepza cho biết, để khắc phục môi trường, từ năm 2008 đến nay hầu hết các doanh nghiệp tại 13 KCX và CN đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời Hepza kiên quyết đóng cửa các doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Một số KCN như: Tân Bình, Hiệp Phước... đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở rộng hệ thống xử lý nước thải, với công suất từ 3.000 đến 4.000 m3/ngày; KCN Vĩnh Lộc, KCX Tân Thuận đang phấn đấu xử lý nước thải đạt loại A trước khi xả ra môi trường. Tiếc là các trạm xử lý nước thải tại các KCX và CN hiện nay có diện tích còn khiêm tốn, rất ít trạm có dải cây xanh cách ly, thiếu hồ sinh học, vì vậy mùi hôi vẫn phát tán ra môi trường chung quanh.
Từ năm 2009, Hepza cũng tổ chức 13 đội, gồm 124 người vận hành hệ thống xử lý nước thải, vừa thực hiện chức năng xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp trong các KCX và CN có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chỉ trong năm 2010, đơn vị đã thanh tra và xử phạt hàng trăm doanh nghiệp vi phạm, với số tiền hàng tỷ đồng; phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường thu hơn 500 triệu đồng, tiền phí bảo vệ môi trường.
Hepza họp định kỳ với các Công ty Phát triển hạ tầng KCX và CN về công tác bảo vệ môi trường, tìm hiểu khó khăn của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ; mở 14 lớp tập huấn về Nghị định 117 về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho 618 doanh nghiệp; phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tổ chức nhiều đợt tập huấn về sản xuất sạch cho hơn 100 doanh nghiệp; cung cấp cho 60 doanh nghiệp kiến thức về ISO 14001; công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm về môi trường; biểu dương các doanh nghiệp khắc phục vi phạm về môi trường.
Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố cần cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới, ít gây ô nhiễm, đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các cửa xả thải của các doanh nghiệp, để quản lý, giám sát, kiểm tra trước khi dẫn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCX và CN. Tăng cường đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quản lý, bảo vệ môi trường cho các nhân viên chuyên trách, chủ doanh nghiệp và công nhân để họ nâng cao nhận thức và có trách nhiệm bảo vệ môi trường.