Chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (thực hiện trách nhiệm tái chế) và nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải). Hiện nay, Liên minh Tái chế bao bì (PRO Việt Nam) đã được thành lập để đón đầu và hỗ trợ các thành viên trong liên minh thực hiện nghĩa vụ EPR khi quy định có hiệu lực pháp luật.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục lấy ý kiến các tổ chức quốc tế và các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các hiệp hội, doanh nghiệp tái chế chất thải về xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs). Tạp chí Công Thương trích lược một số tham vấn sau:
Đề xuất về định mức chi phí tái chế (Fs)
PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) - Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất về định mức chi phí tái chế (Fs) cho sản phẩm, bao bì thải bỏ.
Đề xuất Fs gồm 2 loại định mức là định mức chi phí tái chế cơ bản và định mức chi phí tái chế nâng cao. Định mức chi phí tái chế cơ bản là chi phí áp dụng chung cho tất cả sản phẩm, bao bì. Định mức tái chế nâng cao là chi phí áp dụng riêng cho các sản phẩm, bao bì khó tái chế hơn (xác định theo hệ số). “Fs thấp thì sẽ không tạo động lực để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường, thiết kế vì tái chế.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 81, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam quy định: Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì (F) được xác định theo công thức: F = R x V x Fs, trong đó: Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg).
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs cho từng sản phẩm, bao bì và điều chỉnh Fs theo chu kỳ 03 năm một lần (Tính cho khối lượng sản phẩm, bao bì; Bao gồm các loại chi phí từ thu gom đến tái chế; Hỗ trợ hệ thống thu gom tại thời điểm hiện tại; Phải hợp lý).
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho biết: Các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc quy định trong dự thảo Nghị định đang rất thấp, thấp hơn thực tế tái chế hiện nay. Mặt khác, nếu tỷ lệ bắt đầu thấp như dự thảo, sẽ không thể đạt được mục tiêu tái chế đề ra trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam vừa được phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021.
Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Nguyên tắc xác định Fs là rất quan trọng để đạt được mục tiêu của EPR cũng như bảo đảm tính khả thi của cơ chế EPR, cụ thể:
Nguyên tắc thứ nhất, tuân thủ quy định về Fs theo đó, Fs phải là chi phí hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đây là những chi phí cơ bản trong việc phân loại, thu gom, tái chế sản phẩm bao bì; đối với chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất nhập khẩu, đây chính là phần chi phí được trích ra để phục vụ hoạt động quản lý, vận hành hệ thống EPR của Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Với nguyên tắc này, Fs sẽ có xu hướng cao hơn chi phí tái chế thực tế của thị trường do phải tính đến chi phí quản lý hành chính. Quy định này nhằm thực thi nguyên tắc khuyến khích nhà sản xuất nhập khẩu tự tổ chức tái chế (tự mình thu gom tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện trách nhiệm EPR), cuối cùng mới là cách đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam.
Nguyên tắc thứ hai: Fs được xác định trên cơ sở tính toán đến thiết kế và thành phần vật liệu của sản phẩm, bao bì. Đối với sản phẩm, bao bì được thiết kế dễ thu gom, tái chế thì Fs có xu hướng thấp hơn. Như đã nêu trên, mục tiêu quan trọng nhất của EPR chính là thúc đẩy nhà sản xuất thay đổi thiết kế để hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ thu gom, tái chế, nên khi xác định Fs phải tính đến các yếu tố này, để Fs thấp hơn chi phí tái chế cơ bản của cùng sản phẩm, bao bì được đưa ra thị trường. Các yếu tố này có thể tính đến việc sử dụng ít vật liệu khác nhau trong cùng sản phẩm, bao bì; dễ dàng phân biệt, phân loại, tách các vật liệu khác nhau ra khỏi sản phẩm, bao bì; màu sắc của sản phẩm, bao bì…
Nguyên tắc thứ ba: Fs được xác định bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn sản xuất, tái chế, sự phát triển của hạ tầng tái chế Việt Nam và tuân theo nguyên tắc thị trường. Đây là nguyên tắc định hướng, bảo đảm Fs được sự đồng thuận cao của đa số các nhà sản xuất, nhập khẩu và các nhà tái chế, xử lý. Bởi Fs không chỉ quyết định đến số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp vào Quỹ BVMT mà còn ảnh hưởng lớn đến giá cả thu gom, tái chế trên thị trường trong nước.
Ngoài ra, Hiệp hội giấy còn kiến nghị các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải, cụ thể theo nguyên tắc 5Rs, tức là Refuse – Từ chối/ Không sử dụng, hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế; Reduce – Giảm thiểu/ hạn chế sử dụng; Reuse – Tái sử dụng; Recycle – Tái chế; Recover – Thu hồi lại nguyên liệu hoặc năng lượng, cuối cùng mới là thải bỏ và xử lý hợp vệ sinh.
Cần bổ sung đại diện của các tổ chức môi trường và xã hội trong Hội đồng EPR Quốc gia. Và chi phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam phải được lấy từ tiền đóng góp của các nhà sản xuất, nhập khẩu và các PRO thay vì là nguồn ngân sách công. Đặc biệt, cần áp dụng kiểm soát rủi ro trong hệ thống EPR đối với với các sản phẩm có vòng đời dài, cụ thể yêu cầu đóng tiền đặt cọc, ký quỹ để đảm bảo thực hiện Trách nhiệm tái chế trong tương lai.
Về phía các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận định, cụ thể, ông Ko Jae Young - nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho rằng: việc đề xuất Fs nên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn độc lập trên cơ sở khảo sát chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất khi xác định Fs cần có sự phân biệt giữa sản phẩm, bao bì dễ tái chế với sản phẩm, bao bì khó tái chế.
Tổ chức WWF Việt Nam cũng đề xuất 3 chủ đề quyết định các bước triển khai một hệ thống EPR có hiệu quả.
Do các hệ thống EPR khá phức tạp và liên quan đến rất nhiều bên thuộc khu vực công và tư ở tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị, việc thiết lập thể chế và quy định của hệ thống (cấu trúc hệ thống) phù hợp là rất quan trọng cho việc vận hành thường nhật và thành công lâu dài của hệ thống. Dựa trên cấu trúc này, việc vận hành hệ thống có thể được chi tiết hóa. Để đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan và sự tuân thủ, việc giám sát và thực thi hợp lý sẽ giúp hoàn thiện hệ thống. Do đó, ba chủ đề sau sẽ quyết định các bước hành động tiếp theo trong việc triển khai một hệ thống EPR có hiệu quả: (1) Cấu trúc hệ thống để xác định việc sắp đặt thể chế và quy định tổng thể; (2) Chi tiết về vận hành hệ thống phác thảo việc quản lý thực tế các loại chất thải được quy định trong hệ thống EPR, để đạt được các mục tiêu mong muốn, chẳng hạn như tăng cường thu gom, tái chế chất thải và giảm thiểu xả rác; (3) Cơ chế thực thi, giám sát và theo dõi hệ thống nhằm đảm bảo khả năng vận hành lâu dài của hệ thống.
Ông Nicholas Frederick Kolesch, Phó Chủ tịch phụ trách các dự án toàn cầu của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) cho hay: AEPW có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thực hiện mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm vi nhựa. Trong đó, Liên minh tập trung vào xây dựng chiến lược, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, tái chế rác; hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến mới nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho các bên về vấn đề này. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được, AEPW mong muốn có thể mở rộng các thực hành tốt ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề thu gom, xử lý rác thải còn có nhiều khoảng trống cần khắc phục.
Dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh”. Theo đó, mục tiêu là giảm 15 đến 20% ô nhiễm rác thải nhựa tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023-2026. Dự án sẽ thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thực hành phân loại rác thải tại nguồn, hỗ trợ trang thiết bị cho việc thu gom riêng, xây dựng các cơ sở phân loại và thu hồi vật liệu để tách lọc các dòng vật liệu và liên kết với thị trường tái chế cho từng loại vật liệu.
AEPW sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam, Bộ TN&MT trong hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có EPR để đưa chính sách đi vào cuộc sống và hiện thực hóa thành các hành động cụ thể tại địa phương.
Doanh nghiệp không nên nhìn nhận EPR là gánh nặng. Ngược lại, đây là con đường phát triển bền vững, mà doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều cái lợi trong tương lai.
"Thực hiện EPR là doanh nghiệp đã thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Hoạt động này còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải, tạo ra lợi nhuận, nguồn vật liệu ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.
Thực hiện EPR không phải yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền, mà đây là nghĩa vụ phải thực hiện theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đó là cam kết kinh doanh đi liền trách nhiệm bảo vệ môi trường và việc thực hiện trách nhiệm ấy hoàn toàn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”.