Nguồn thu không đáng kể
Những năm gần đây, nhiều phim Việt nam tham gia các LHP, hội chợ phim đã đưa điện ảnh Việt vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Trên thị trường nội địa, doanh thu điện ảnh tăng đều đặn mỗi năm gần 30%. Năm 2000 doanh thu khoảng 2 triệu USD, tới 2018 lên hơn 100 triệu USD, và năm nay dự kiến đạt 150 triệu USD.
Tuy nhiên, phim của các nhà sản xuất trong nước không nhiều, chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất phim. Họ có kịch bản, hoặc đặt hàng kịch bản tác giả trong nước, thuê đạo diễn, thuê diễn viên Việt Nam.
Thậm chí, họ đầu tư luôn rạp chiếu nên lợi nhuận chủ yếu rơi vào túi doanh nghiệp ngoại, trong nước nguồn thu không đáng kể.
Điều đáng lo ngại hơn, là nhà đầu tư, họ nghĩ nhiều hơn đến lợi nhuận. Các phim đặt tiêu chí doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu. Do đó, tính giải trí được coi trọng hơn tính thẩm mỹ.
Nhà nước hiện có chính sách đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Song những phim này thường ít khán giả, và chỉ chiếu vào các ngày lễ, tết như dịp 30/4, 1/5, 2/9, 22/12…
Song hành 2 giải pháp
Để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hoá công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, thì cần song hành cả giải pháp hành chính và kinh tế.
Về hành chính, cần có biện pháp tăng dần tỉ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 ít nhất là 45%.
Về kinh tế, nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra, hoặc những dòng phim khó như phim lịch sử, phim giáo dục truyền thống yêu nước, phim góp phần xây dựng đạo đức cho thanh thiếu niên nhi đồng… Bù lại, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này.
Đồng thời, trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỉ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với khán giả.
Trên thực tế, hiện nhiều hãng phim kêu khó do chính sách ưu đãi chưa nhiều. Vì vậy, cần có những điều khoản cụ thể về ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phim như ưu đãi lãi suất vay.
Nhiều nhà sản xuất phim trong nước rơi vào tình trạng đầu tư hơn chục tỉ đồng làm phim nếu “chết” không ai còn động lực tiếp tục nữa.
Bên cạnh đó, sản xuất phim lại không có cách nào vay vốn ở ngân hàng, vì tài sản vô hình ở Việt Nam chưa được coi là tài sản để thế chấp.