Bất chấp các khó khăn, doanh số tháng 9 của Thực phẩm Sao Ta (FMC) vẫn tăng 48%

Mặc dù toàn ngành tôm đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung, giá tôm nguyên liệu tăng cao, triển vọng kinh doanh của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) được đánh giá tiếp tục duy trì tích cực.
Xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh số tiêu thụ cả năm sau 9 tháng.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9 với doanh số tiêu thụ trong tháng đạt 30,16 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm của Thực phẩm Sao Ta đạt 2.309 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngược lại, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm tăng tới 47%, đạt 2.638 tấn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tiêu thụ đạt 187 triệu USD (khoảng 4.510 tỷ đồng). Qua đó, hoàn thành 89% kế hoạch doanh số tiêu thụ cả năm nay.

Đây được xem là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, từ giữa tháng 8/2024, giá tôm thương phẩm đã bất ngờ bật tăng mạnh do tình trạng dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp. Thông thường hàng năm, thời gian này là cao điểm thu hoạch tôm nuôi nên mặt bằng giá sẽ ở mức thấp. Diễn biến năm nay đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Đặc biệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều vùng nuôi phải thu hoạch sớm, dẫn đến vừa giảm sản lượng vừa thiếu hụt tôm đúng cỡ. Trong khi đó, chu kỳ tôm cỡ lớn phải mất 4 tháng, khó đáp ứng thời gian giao hàng khi cuối năm là dịp cao điểm tiêu thụ. Đồng thời, mưa lớn được dự báo sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng tôm.

Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, các trại nuôi của công ty đang trong quá trình cải tạo ao nuôi, nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất để có thể phục vụ cho đợt thả giống mới khi thời tiết thuận lợi.

Giá tôm nguyên liệu
Diễn biến giá tôm thẻ nguyên liệu (bên trái) và tôm sú nguyên liệu (bên phải) (USD/kg) từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: AgroMonitor, Chứng khoán Rồng Việt)

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, giá tôm thẻ lẫn tôm sú nguyên liệu trong giai đoạn từ tháng 5 - tháng 8/2024 cao hơn từ 7 - 13% so với cùng kỳ năm 2023, thậm chí có lúc cao hơn tới 23%. Điều này đang gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong bối cảnh giá tôm xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm gần như chưa được cải thiện.

Giá tôm nguyên liệu được dự báo sẽ neo cao cho đến hết tháng 10 trước khi nhu cầu dự trữ cho mùa lễ hội tại Mỹ kết thúc. Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, với việc tự chủ được đến 30% nhu cầu tôm nguyên liệu, Thực phẩm Sao Ta sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn các doanh nghiệp khác.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): “Đánh bắt gần bờ” giúp xuất khẩu tôm bứt phá" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, với chiến lược tập trung vào thị trường Nhật Bản, Thực phẩm Sao Ta đang phát huy tối đa thế mạnh về các dòng sản phẩm cao cấp, chế biến sâu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhờ  vị trí địa lý gần và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador.

Nhật Bản cũng là thị trường duy nhất trong các thị trường trọng điểm của tôm Việt Nam ghi nhận giá tôm trong tháng 8/2024 tăng so với tháng liền trước.

Chứng khoán Rồng Việt cũng nhấn mạnh, mặc dù tỷ giá Yên Nhật/Đồng Việt Nam đã tăng trở lại gần đây khi Ngân hàng Trung ương Nhật tăng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường Nhật cần có thời gian thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong ngắn hạn khả năng thỏa hiệp về tăng giá bán sẽ gặp khó khăn nhưng giá tôm quy đổi theo Yên Nhật tại Nhật Bản giảm sẽ là cú hích cho thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như duy trì đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu.

Lan Anh