Thực phẩm Sao Ta (FMC): “Đánh bắt gần bờ” giúp xuất khẩu tôm bứt phá

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) cho biết sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 8 vừa qua đã lần lượt tăng 74% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta
Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết công ty đã có đủ đơn hàng trong nửa cuối năm nay để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa cho biết doanh số tháng 8/2024 đạt 30,38 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm đạt 3.450 tấn, tăng tới 74% so với cùng kỳ.

Thực phẩm Sao Ta cho biết kết quả tăng trưởng ấn tượng trên đến từ việc công ty đã ký kết nhiều hợp đồng nên hoạt động chế biến được tăng cường để đảm bảo giao hàng đúng tiến độ. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.726 tấn, tăng 36% so với tháng 8/2023.

Trong khi đó, sản xuất nông sản thành phẩm giảm 42% so với cùng kỳ xuống 44 tấn. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 116 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta ước đạt 156,6 triệu USD. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Như vậy, với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 75% kế hoạch đặt ra.

Theo chia sẻ của ông Phạm Hoàng Việt - Tổng Giám đốc Thực phẩm Sao Ta, công ty đang tiếp tục thực hiện chiến thuật “đánh bắt gần bờ”, duy trì vị thế doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Gặt hái thành quả nhưng công ty cũng không quên củng cố các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Úc, EU... chờ thị trường “nổi sóng” để “ra khơi”.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Hưởng lợi từ việc đồng Yên tăng giá, lãi ròng năm nay có thể tăng 24%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cụ thể, thị trường Nhật Bản có thể được coi là “sân nhà” - nơi Thực phẩm có thể phát huy thế mạnh về các sản phẩm cao cấp, chế biến sâu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhờ vị trí địa lý gần và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador.

Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm. Đây có thể là cơ hội tăng tốc cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung, ông Phạm Hoàng Việt nói.

Đánh giá về thị trường Hoa Kỳ, lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nhận định đây là thị trường “lớn, hấp dẫn nhưng phức tạp” do rủi ro tôm Việt Nam bị kiến chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thực phẩm Sao Ta cũng lưu ý khai thác các thị trường trọng điểm và tiềm năng khác như EU, Anh, Úc, Hàn Quốc...

“Thời điểm này, công ty đang trong giai đoạn cao điểm gặp gỡ, tiếp xúc các đối tác, điều ít xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang im ắng. Đây có thể là tín hiệu cho thấy công tác thị trường của công ty đang giai đoạn khởi sắc, sẵn sàng cho mùa cao điểm cuối năm sôi động hơn”, ông Phạm Hoàng Việt chia sẻ.

Duy Quang