Giá phốt pho vàng hồi phục, kỳ vọng Hoá chất Đức Giang (DGC) tăng tốc trong nửa cuối năm

Trong bối cảnh giá phốt pho vàng tại Trung Quốc đã qua đáy và dần hồi phục, kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại.
Chất bán dẫn
Hoạt động sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu đang hồi phục tích cực trở lại, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu phốt pho vàng.

Hãng nghiên cứu thị trường OilChem (Trung Quốc) vừa cho biết, giá phốt pho vàng tại thị trường Trung Quốc đã giảm xuống trong giai đoạn tháng 5 - tháng 8/2024 chủ yếu do giá điện giảm khi mùa mưa lũ diễn ra tại tỉnh Vân Nam - nơi chiếm 50% tổng sản lượng phốt pho vàng của Trung Quốc. Đồng thời, giá các nguyên liệu đầu vào khác phục vụ việc sản xuất phốt pho vàng cũng đã giảm xuống.

Tuy nhiên, OilChem dự báo giá phốt pho vàng sẽ bật tăng trở lại kể từ tháng 9/2024 khi các doanh nghiệp tại Trung Quốc gia tăng mua bổ sung hàng tồn kho. Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, OilChem dự báo giá phốt pho vàng có thể đạt mức 27.000 NDT/tấn, tương đương 3.800 USD/tấn trong những tháng cuối năm nay.

Theo dữ liệu của Chứng khoán Maybank, giá phốt pho giao dịch tại Trung Quốc đã tăng 2% so với vùng đáy của tháng 7, hiện đạt khoảng 23.100 NDT/tấn, tương đương 3.250 USD/tấn.

Việc giá phốt pho tại Trung Quốc phục hồi được đánh giá là tín hiệu tốt cho giá xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu phốt pho trên toàn cầu, điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE).

Hoá chất Đức Giang hiện là tập đoàn có sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á. Mảng phốt pho vàng đóng góp khoảng 35 - 40% tổng doanh thu của tập đoàn này.

Giá phốt pho vàng
Diễn biến giá phốt pho vàng tại thị trường Trung Quốc (NDT/tấn) từ đầu tháng 6/2024 đến nay. (Nguồn: SunSirs, Tạp chí Công Thương tổng hợp).

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, nhu cầu về phốt pho vàng và các sản phẩm từ phốt pho sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong các quý tới đây khi hoạt động sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu đã thoát đáy từ đầu năm nay và dần sôi động trở lại.

Hiện khoảng 20% nhu cầu phốt pho trên toàn cầu được sử dụng cho ngành bán dẫn và 30% doanh thu các sản phẩm của Hoá chất Đức Giang đang phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp đầu ngành bán dẫn đều tăng khoảng 10 - 15% so với quý 1/2024 nhờ lượng đơn hàng ký mới tăng. Lãnh đạo TSMC - hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới ghi nhận doanh thu quý 2/2024 lên tới 20,82 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa dự báo của thị trường.

SIA cũng nhận định thị trường bán dẫn toàn cầu trong thời gian tới sẽ được dẫn dắt bởi Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Ba quốc gia này vừa qua cùng tung ra loạt gói hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn. Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà hồi phục của giá phốt pho vàng.

Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là hai thị trường trọng điểm của Hoá chất Đức Giang với nhiều đối tác truyền thống. Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cũng cho biết, nhu cầu của các khách hàng quốc tế đối với phốt pho Việt Nam sẽ tăng dần kể từ cuối năm 2024 khi loạt nhà máy pin xe điện và vi mạch tại khu vực Đông Á và Bắc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc + 1”, tìm kiếm nhà cung cấp ngoài Trung Quốc để giảm thiểu các rủi ro kinh doanh, nhất là khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có tín hiệu tăng nhiệt trở lại.

Giá cổ phiếu DGC Hoá chất Đức Giang
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Hoá chất Đức Giang (DGC): Sở hữu công nghệ sản xuất phốt pho vàng duy nhất trên thế giới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, đã có một số nhà sản xuất pin xe điện đang xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc mua phốt pho vàng từ tập đoàn, ban lãnh Hoá chất Đức Giang tiết lộ.

Ngoài yếu tố nhu cầu phục hồi, kết quả kinh doanh của Hoá chất Đức Giang còn được hỗ trợ nhờ việc tăng cường tự chủ nguồn cung apatit - nguyên liệu đầu vào chính. Trong năm 2023, tập đoàn này đã có thể tự cung tự cấp được 80% sản lượng quặng apatit cần dùng.

Quặng apatit chiếm khoảng 50% tổng chi phí nguyên liệu sản xuất, tương đương 25% chi phí giá vốn hàng bán của Hoá chất Đức Giang. Động thái trên sẽ giúp tập đoàn này tối ưu thêm chi phí sản xuất trong thời gian tới, khi trong năm 2023 tỷ lệ đóng góp của chi phí nguyên liệu chính / tổng giá vốn hàng bán đã giảm xuống còn 52% so với 60% trong năm 2022.

Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cũng cho biết đang tiếp tục tìm kiếm các mỏ mới và doanh nghiệp sở hữu mỏ để thực hiện M&A nhằm gia tăng khả năng tự chủ nguồn cung apatit.

Với triển vọng giá bán tích cực trong nửa cuối năm nay, Chứng khoán Maybank hiện dự phóng lợi nhuận năm nay của Hoá chất Đức Giang sẽ đạt 3.418 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2023 và có thể tăng trưởng tới 16% trong năm 2025 nhờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Duy Quang