Sở hữu công nghệ luyện quặng duy nhất trên thế giới
Việt Nam hiện có 7 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh phốt pho vàng, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai. Sau khi sáp nhập Đức Giang Lào Cai vào năm 2017 và Công ty Cổ phần Phốt pho 6 vào năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) trở thành doanh nghiệp có năng lực sản xuất Phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam với tổng công suất 70.000 tấn/năm, chiếm 46% tổng công suất phốt pho vàng ở Việt Nam.
Đồng thời, tập đoàn này cũng đang là nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á, Theo dữ liệu của một số tổ chức tài chính, Hoá chất Đức Giang đang chi phối gần 1/3 tổng lượng phốt pho vàng được xuất khẩu trên toàn cầu. Phốt pho vàng là nguyên liệu đầu vào quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, đặc biệt là sản xuất chip điện tử, chất bán dẫn và pin lithium.
Đặc biệt, Hoá chất Đức Giang đang sở hữu công nghệ luyện quặng dạng bột duy nhất trên thế giới.
Cụ thể, quặng apatit - nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phốt pho vàng được chia thành 4 cấp; trong đó quặng apatit cấp 1 (chứa hàm lượng Phosphor pentoxide P2O5 > 30%) là quặng có chất lượng tốt nhất và dễ chế biến nhất. Tuy nhiên, trữ lượng quặng cấp 1 ở Lào Cai, Việt Nam và trên thế giới còn hạn chế và dần cạn kiệt.
Nhờ sở hữu công nghệ đặc biệt, Hoá chất Đức Giang có thể sử dụng quặng apatit cấp 2 và cấp 3 (hàm lượng P2O5 chỉ 15-25%) ở cả dạng cục và dạng bột để sản xuất phốt pho vàng.
Ban giám đốc Hoá chất Đức Giang cho biết, hiện chỉ có tập đoàn hữu công nghệ này sau khi mua bằng sáng chế độc quyền từ một nhân viên trong công ty. Do đó, tập đoàn sở hữu lợi thế lớn khi giá quặng apatit cấp 2 và cấp 3 có giá thấp hơn nhiều so với quặng loại 1.
Theo dữ liệu của hãng chứng khoán MBS, trong số các nước sản xuất phốt pho vàng chính, trữ lượng quặng apatit cấp 1 của Trung Quốc chiếm chưa đến 10% tổng trữ lượng. Trong khi đó, trữ lượng quặng cấp 2 chiếm khoảng 17%, thấp hơn nhiều so với mức 33% của Maroc và 30% của Mỹ. Qua đó, chi phí đầu vào sẽ cao hơn khi chi phí chế biến quặng 2 và quặng 3 cao hơn nhiều so với quặng loại 1.
Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp tục hạn chế khai thác tại các mỏ apatit có trữ lượng nhỏ dưới 500.000 tấn/năm cũng như siết chặt việc cấp phép khai thác các mỏ mới.
Hãng nghiên cứu thị trường Longzhong Information (Trung Quốc) nhận định trong ngắn hạn, giá quặng apatit sẽ duy trì xu hướng tăng. Cộng thêm việc nhu cầu chất bán dẫn đang phục hồi, giá phốt pho vàng khó có thể giảm mạnh về mức năm 2021.
Đáng chú ý, Hoá chất Đức Giang đang tự chủ được 70% nguồn cung quặng apatit nhờ sở hữu mỏ apatit từ năm 2021 và ký hợp đồng bao tiêu với mỏ apatit mới vào năm 2023. Hãng chứng khoán MBS ước tính, lợi thế trên có thể giúp Hoá chất Đức Giang tiết kiệm được 20-30% chi phí so với mua quặng bên ngoài.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết đang tiếp tục tìm kiếm các mỏ mới và doanh nghiệp sở hữu mỏ để thực hiện M&A, giúp nâng cao hơn nữa tỷ lệ tự chủ nguồn cung quặng apatit.
Đơn hàng phốt pho vàng đã cải thiện tích cực trở lại
Theo chia sẻ của ban giám đốc Hoá chất Đức Giang, kết quả kinh doanh quý 1/2024 kém tích cực chủ yếu do giá phốt pho vàng vẫn duy trì ở mức 4.200 USD/tấn, tương đương quý 4/2023. Tuy nhiên, đơn hàng đã cải thiện khoảng 8% so với quý cuối năm 2023 khi nhu cầu tại thị trường Mỹ và Đông Á hồi phục.
Hiện khoảng 20% nhu cầu phốt pho trên toàn cầu được sử dụng cho ngành bán dẫn và 30% doanh thu các sản phẩm của Hoá chất Đức Giang đang phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện trong ngành bán dẫn khi hai nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC và Intel cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý 4/2023 và quý 1/2024. Hiện CEO TSMC dự báo doanh thu quý 2/2024 của hãng này có thể đạt tới 20,6 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS dự báo tăng trưởng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm nay ước đạt 11,8%. Trong khi đó tại thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoá chất Đức Giang, Hiệp hội thiết bị bán dẫn Nhật Bản (SEAJ) dự phóng doanh số các thiết bị bán dẫn sẽ tăng trưởng 27% trong năm nay.
Theo đó, hãng chứng khoán MBS dự phóng giá phốt pho vàng năm nay sẽ tăng 6,8% đạt 103 triệu đồng/tấn và tiếp tục tăng thêm 6,4% trong năm 2025 lên mức 110 triệu đồng/tấn. Điều này có thể giúp doanh thu thuần năm nay của Hoá chất Đức Giang tăng 15,3% so với năm 2023, đạt 11.249 tỷ đồng và lãi ròng tăng 15,5%, đạt 3.583 tỷ đồng.