Tính tới cuối quý 2/2024, lượng hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) đạt 5.873 tỷ đồng, đi ngang so với hồi quý 1/2024. Tuy nhiên, việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) đã giảm trung bình 21% từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Thép Nam Kim đang đối mặt với áp lực gia tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý 3/2024.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), trong trường hợp giá HRC tiếp tục đi ngang, biên lãi gộp của Thép Nam Kim trong quý 4/2024 sẽ được cải thiện đáng kể.
Trong trung hạn, KBSV nhận định biên lãi gộp của Thép Nam Kim sẽ tiếp tục được duy trì ở mức ổn định nhờ giá tôn mạ, thép ống giảm chậm hơn giá HRC. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá HRC đã giảm 22%, trong khi giá tôn mạ và thép ống chỉ giảm lần lượt 12% và 5%.
Bên cạnh đó, Thép Nam Kim đang chủ động quản lý chặt chẽ hàng tồn kho với việc duy trì lượng hàng tồn kho ở mức ổn định, số ngày quay vòng nguyên vật liệu trong quý 2/2024 ở mức 26 ngày, giảm đáng kể so với mức 33 ngày của giai đoạn nửa cuối năm 2022.
Cũng theo KBSV, việc các quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu là điều khó tránh khỏi khi thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập thị trường.
Mỹ và EU đã và đang triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng vệ thương mại với các sản phẩm thép. Hai thị trường này chiếm trên 80% doanh thu xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay của Thép Nam Kim. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim trong thời gian tới sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, KBSV nhấn mạnh, trong dài hạn, Thép Nam Kim vẫn sẽ có lợi thế trên thị trường xuất khẩu do mức thuế suất của một số thị trường lớn áp dụng cho thép nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn đáng kể mức thuế áp dụng cho Trung Quốc, điển hình là thị trường Mỹ.
Đồng thời, dưới tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, chênh lệch giá HRC tại Mỹ và EU so với giá tại Việt Nam tiếp tục kéo dài sẽ tạo điều kiện cho Thép Nam Kim cạnh tranh về giá và thúc đẩy xuất khẩu.
Dữ liệu lịch sử của KBSV cho thấy, chênh lệch giá HRC tại Mỹ và EU so với giá tại Việt Nam là chỉ báo dẫn dắt, thể hiện tiềm năng tăng sản lượng xuất khẩu tôn mạ của các doanh nghiệp Việt Nam như Thép Nam Kim.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ nội địa của Thép Nam Kim cũng đang duy trì xu hướng hồi phục tích cực, sẽ giúp giảm bớt tác động từ việc suy giảm xuất khẩu trong ngắn hạn. Cụ thể, tiêu thụ tôn mạ, thép ống của công ty này trong tháng 8/2024 đã lần lượt tăng 8% và 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc ngành xây dựng đang bước vào mùa cao điểm cuối năm, thị trường bất động sản cũng đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước được kỳ vọng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn được hưởng lợi nếu như Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
KBSV hiện ước tính sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim trong năm nay sẽ đạt 1,04 triệu tấn, tăng 22% so với năm 2023.