Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) cho biết, tính chung 7 tháng đầu năm nay, sản lượng bán hàng đạt 546.800 tấn tôn mạ, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 17% thị phần cả nước. Qua đó, giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp kinh doanh tôn mạ lớn nhất cả nước.
Xét về cơ cấu, tiêu thụ qua kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim đạt 402.800 tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng nội địa cũng ghi nhận mức tăng trưởng 25%, đạt 143.900 tấn.
Trong quý 2 vừa qua, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng tăng tới 75%, đạt 219,6 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 2,2 lần (đạt 113,6 tỷ đồng).
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp thép này ghi nhận doanh thu đạt hơn 10.951 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023 và lãi ròng đạt gần 370 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), mặc dù có những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép, kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm.
Động lực chủ yếu đến từ việc hoạt động xây dựng và sản xuất ô tô tại châu Âu và Bắc Mỹ đang tiếp tục phục hồi tích cực, hai thị trường này chiếm đến 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của Thép Nam Kim.
Đối với thị trường nội địa, hoạt động xây dựng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024, giúp các chủ đầu tư tái khởi động loạt dự án, giúp nhu cầu tôn mạ tăng lên.
Ngoài ra sản lượng tiêu thụ nội địa của Thép Nam Kim được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể nếu như Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra vụ việc trên.
Agriseco dự báo biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể sẽ được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024 nếu có đầy đủ các bằng chứng về việc bán phá giá.
Ngoài ra, theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Maybank, mức chênh lệch giá thép cuộn cán nóng (HRC) giữa thị trường Việt Nam với thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng như giữa thị trường Việt Nam và thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng mở rộng ra.
Trong đó, việc EU áp hạn ngạch 15% đối với HRC nhập khẩu kể từ tháng 7/2024 đối với nhóm “các quốc gia khác”, bao gồm Việt Nam, đang làm hạn chế nguồn cung HRC giá rẻ tại thị trường này. Qua đó, trực tiếp đẩy giá bán HRC - đầu vào của sản xuất tôn mạ tại khu vực EU tăng lên.
Với các diễn biến trên, Chứng khoán Maybank nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam như Thép Nam Kim sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ về giá xuất khẩu và biên lợi nhuận gộp do các khách hàng tại châu Âu ưu tiên nhập khẩu nguồn hàng giá rẻ.