Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) vừa qua đã ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.
Theo đó, biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp được xác định cụ thể như sau:
Đối với Trung Quốc, công ty Jiangsu Shagang International Trade Co.,Ltd có biên độ bán phá giá là 34% và các doanh nghiệp xuất khẩu khác là 46,2%
Đối với Ai Cập, công ty Suez Steel Co.,Ltd có biên độ bán phá giá là 8,6% và các doanh nghiệp xuất khẩu khác là 21,3%.
Đối với Việt Nam, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương có biên độ bán phá giá lần lượt là 17,7% và 13,5%. Đây là hai công ty con của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE).
Hiện tại, Tòa án Thương mại Quốc tế Canada (CITT) đang tiến hành xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và dự kiến sẽ ra kết luận vào ngày 4/10.
Trước đó, ngày 8/3, CBSA đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam theo yêu cầu từ Ivaco Rolling Mills 2004 LP - nhà sản xuất thép cuộn cán nóng và phôi thép có trụ sở tại bang Ontario, Canada.
Đến ngày 6/6, CBSA đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là từ 6,1% - 38,9%, thấp hơn đáng kể so với mức thuế đối với doanh nghiệp Trung Quốc từ 50,9% - 71,1% và doanh nghiệp Ai Cập từ 49,7% - 99,8%.
Theo đánh giá sơ bộ của Chứng khoán Maybank, sản lượng dây thép của Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu sang Canada chỉ chiếm tầm 3% tổng sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này trong năm 2023. Do đó, việc Canada áp thuế chống bán phá giá sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Canada.
Đáng chú ý, với việc thép dây Trung Quốc có khả năng bị Canada áp thuế với mức thuế suất cao hơn đáng kể so với Việt Nam thì cơ hội bán mặt hàng này cho Tập đoàn Hòa Phát tại Canada vẫn “sáng cửa”, Chứng khoán Maybank nhận định.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép, Tập đoàn Hòa Phát đã và đang tích cực mở rộng, thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu mới, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm nhỏ các thị trường trọng điểm. Đồng thời, tập đoàn này đang đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa, nhằm bù đắp các sụt giảm tiềm tàng trên kênh xuất khẩu.
Loạt động thái trên được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro từ làn sóng thuế chống bán phá giá đối với thép và các sản phẩm từ thép của Tập đoàn Hòa Phát. Chứng khoán Maybank cũng cho biết trong bối cảnh mưa bão diễn ra phức tạp tại miền Bắc, về mặt kỹ thuật, sẽ thúc đẩy sản lượng bán hàng nội địa của Tập đoàn Hòa Phát từ tháng 10 trở đi.
Dây thép là mặt hàng được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm như bê tông dự ứng lực (PC Wire), khung dù, hạt bi sắt lốp xe (TBW), dây piano, lõi dây của các dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn, đinh…
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada đã tăng nhanh trong những năm gần đây, từ mức 10 triệu USD trong năm 2020 lên 21 triệu USD vào năm 2021, và đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2022.