Khi thị trường bất động sản dần hồi phục, nhà đầu tư càng an tâm vì dư địa tiềm năng của Đà Nẵng rất lớn, nhờ giá cho thuê tăng hàng năm và lợi nhuận ròng trên vốn khá lớn so với các thị trường khác.
Khi “mũi nhọn” du lịch đón mùa bội thu
Có thể nói, du lịch chính là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm trở lại đây. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, sự kiện APEC 2019 tại Đà Nẵng không chỉ mang lại cú hích phát triển du lịch, kinh tế, dịch vụ của thành phố ven sông Hàn mà còn mang lại cú hích phát triển bất động sản của Đà Nẵng.
Sau khi đại dịch đi qua, du lịch Đà Nẵng trong năm 2024 được xem “đón mùa bội thu” khi vượt qua được giai đoạn khó khăn và thực sự tăng trưởng vượt qua cả giai đoạn năm 2019.
Theo đó, mục tiêu đặt ra đón 8,4 triệu lượt khách cho năm 2024 đã hoàn thành sớm so với kỳ vọng trước 3 tháng. Ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến năm 2024, tổng lượt khách lưu trú phấn đấu đạt 10,3 triệu lượt, tăng 39% so với năm 2023. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành cả năm ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023, bằng 178% so với năm 2019.
Sự phát triển du lịch đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, GRDP thành phố ước tăng 6,5%. Tổng thu ngân sách 9 tháng đạt gần 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán cả năm 2024.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, qua 10 tháng năm 2024, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước gần 9,3 triệu lượt, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước gần 3,5 triệu lượt, tăng 31,2%.
Lượt khách ngủ qua đêm 10 tháng năm 2024 ước gần 7,0 triệu lượt, tăng 26,1%, trong đó khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 3,3 triệu lượt, tăng 29,4%. Lượt khách nghỉ trong ngày ước đạt 2,3 triệu lượt (tăng 51,8%), trong đó, khách quốc tế nghỉ trong ngày ước đạt 198,1 nghìn lượt, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước qua 10 tháng cũng đạt 22.561,6 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng mức và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lưu trú 10 tháng ước đạt 8.450,8 tỷ đồng tăng 31,5%.
Ngành mũi nhọn là du lịch – dịch vụ phục hồi và tăng trưởng tốt, Đà Nẵng cũng đón nhận những thông tin tích cực, khi Quốc hội đã thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Đây là tiền đề thúc đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng sôi động trở lại, đặc biệt phân khúc căn hộ thương mại.
Nhu cầu thuê nhà ở tăng cao ở khu vực nội thị
Bên cạnh sự hồi phục của thị trường du lịch, lượng khách quốc tế trở lại Đà Nẵng cũng tăng nhanh chóng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng trên 40% và vượt so với cùng kỳ năm 2019. Đến tháng 9/2024, Đà Nẵng đón 8,7 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 3,1 triệu lượt khách quốc tế.
Hiện tại, lượng khách Hàn Quốc vẫn đứng đầu top 10 thị trường khách quốc tế Đà Nẵng (chiếm 41,3%). So với thời điểm năm 2019, hiện tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới như Đài Loan tăng 8,1%; Ấn Độ tăng 4,2%; Australia tăng 1,1%; Nga tăng 1,4%... mang lại bức tranh sáng cho Đà Nẵng.
Theo số liệu Tổng cục Thống, kê tính đến năm 2022, Đà Nẵng đứng thứ 5 các tỉnh/thành phố có tỷ suất nhập cư cao nhất Việt Nam là (10,42%), chỉ xếp sau các tỉnh, thành: Bắc Ninh (39,35%), Bình Dương (26,36%), Cần Thơ (16,17%), TP.HCM (10,89%). Khi lượng nhập cư đổ về rất lớn, áp lực đổ lên cơ sơ hạ tầng, nhà ở, giao thông vận tải của thành phố càng lớn, bởi Đà Nẵng hiện có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước lên đến 87,3%, cao gấp 2 lần bình quân của cả nước (42% vào năm 2022).
Qua những con số kể trên, cho thấy nhu cầu thuê nhà ở tăng cao, nhất ở các quận trung tâm như: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… Xu hướng về chất lượng nhà ở ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu người dùng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là những dự án nhà ở cao tầng hạng A là điều có thể nhận thấy.
Tính trong Quý III/2024, thị trường căn hộ Đà Nẵng ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng 32% so với cùng kỳ năm trước với 15 dự án triển khai bán hàng, cung ứng ra thị trường khoảng 2.267 căn hộ.
Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp ghi nhận tín hiệu tích cực, đạt khoảng 47% trên tổng nguồn cung sơ cấp, tương đương 1.058 căn và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, với lượng giao dịch tập trung ở các dự án phân khúc căn hộ hạng A. Với giá sơ cấp cao nhất 175 triệu đồng/m2 tại khu vực quận Hải Châu và giá sơ cấp thấp nhất là 26 triệu đồng/m2 tại quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.
Dự báo nguồn cung mới trong Quý IV/2024 được kỳ vọng tăng, dự báo đạt khoảng 2,000 - 3,000 căn nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà ở ược kỳ vọng tăng cao giai đoạn cuối năm, nguồn cung mới có thể sẽ có những khởi sắc nhất định, tập trung tại một số khu vực như Q. Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu.
Một số chuyên gia khác cũng dự đoán các dự án tiêu điểm sẽ nằm ở các quận Sơn Trà, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn cũng đáp ứng nhu cầu thực từ thị trường. Nhất là nhu cầu mua, thuê căn hộ ngày càng lớn khi lượng du khách hay chuyên gia quốc tế và trong nước đổ về trong giai đoạn tiếp theo là điều chắc chắn.
Xu hướng lựa chọn nhà ở của các chuyên gia và những người thu nhập cao tại Đà Nẵng thường nhắm đến là các dự án trung tâm thành phố Đà Nẵng. Hệ thống tiện ích hiện hữu như trung tâm thương mại, nhà hàng, bệnh viện, trường học và các dịch vụ giải trí khác giúp nâng cao chất lượng sống người dân.
Điều này mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian di chuyển, mức độ an ninh cao hơn với sự hiện diện của lực lượng chức năng tuần tra thường xuyên. Thêm vào đó là hệ thống camera an ninh triển khai giám sát để bảo vệ người dân, du khách. Theo đó, các dự án nhà ở tại trung tâm thành phố có giá trị tăng giá nhanh, thanh khoản tốt do sự khan hiếm sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.