Cắt giảm thuế quan mạnh mẽ
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ từ 97% đến 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa NK từ các nước thành viên trong vòng 3 năm, tuy nhiên vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng.
Cung cấp các thông tin về các cam kết về thuế XK và NK của Việt Nam trong CPTPP, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: Việt Nam đã áp dụng lộ trình cắt giảm thuế khá sâu trong CPTPP.
Về thuế NK trong CPTPP đó là xóa bỏ gần 100% số dòng thuế theo lộ trình 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2021); 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (năm 2029); Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế NK với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế XK, lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng quan trọng (khoảng 70 mặt hàng), như: than đá, than non, dầu thô, vàng, một số loại quặng, khoáng sản; nông sản gồm nhóm 12.11 cây và các bộ phận của cây dùng để chế biến dược phẩm, nước hoa (rễ nhân sâm, rễ cam thảo, trầm hương, kỳ nam...) được tiếp tục duy trì thuế XK.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CPTPP có độ mở cao hơn và số lượng mặt hàng rộng hơn so với các FTA trước đây. Điển hình như Nhật Bản, trong CPTPP cam kết giảm thuế của Nhật Bản đối với hàng hoá NK từ Việt Nam cao hơn các FTA đã có trước đây là FTA Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA) và FTA ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), trong đó một số mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa.. sẽ được giảm thuế sâu hơn.
Trong các FTA trước, lộ trình giảm thuế cũng có hiệu lực sau từ 6 đến 11 năm nhưng với CPTPP, nhiều dòng thuế đã được cắt giảm ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Nhiều lưu ý cho doanh nghiệp
Không chỉ có cam kết sâu hơn về các ưu đãi thuế, CPTPP còn có nhiều điểm tiến bộ hơn so với các FTA khác. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái, CPTPP được thừa hưởng các quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ tiên tiến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể là các quy tắc xuất xứ CPTPP khuyến khích sự hội nhập sản xuất của các quốc gia thành viên và thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh giữa các quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, thủ tục chứng nhận xuất xứ của CPTPP được đơn giản hoá so với các FTA khác. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một FTA mà xuất xứ hàng hóa có thể được nhà sản xuất, nhà XK hoặc nhà NK tự chứng nhận.
Nếu như các FTA trước đây, giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước XK hoặc nước sản xuất ra hàng hóa, với CPTPP có cách tiếp cận đơn giản hơn, trong đó các nhà NK được phép chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa trên cơ sở thông tin hàng hóa do nhà sản xuất hoặc XK cung cấp. Tuy nhiên, chứng nhận xuất xứ của nhà NK sẽ không được áp dụng cho hàng NK vào Việt Nam tối đa 5 năm sau khi CPTPP có hiệu lực.
Bên cạnh các điểm mới về xuất xứ hàng hoá, các cam kết về thuế NK và thuế XK của CPTPP cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Để triển khai thực hiện cam kết về thuế XK, thuế NK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành vào tháng 6 tới.