Nhiều kết quả tích cực năm 2024
Năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Bình Định tăng 7,78% (kế hoạch năm tăng 7,5-8%); xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 02/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ.
Quy mô GRDP của tỉnh Bình Định tương đương 5,3 tỷ USD (đóng góp 1,13% so với cả nước), xếp thứ 25/63 địa phương cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 03/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng và phát triển khá, giá trị tăng thêm tăng 12,07%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD, vượt 3,6% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đạt trên 9,2 triệu lượt khách, vượt 67% kế hoạch năm.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động Lễ hội, xúc tiến du lịch lớn góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển, thu hút lượng lớn khách du lịch đến với tỉnh Bình Định. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 8.800 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 98,5% kế hoạch HĐND tỉnh (tỉnh Bình Định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thuộc nhóm 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước).
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chủ yếu đó là tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng trưởng nhưng chưa đạt kỳ vọng; thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; một số công trình, dự án triển khai chậm, năng lực nhà đầu tư chưa tốt; thu hút đầu tư các dự án mới, nhất là các dự án lớn gặp khó khăn.
Ngoài ra, triển khai một số quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch đất đai còn chậm; giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thiếu quyết liệt, xác định giá đất cụ thể dự án còn chậm, còn lúng túng khi Luật Đất đai năm 2024 và các hướng dẫn thi hành tại các Nghị định số 71/2024/NĐ-CP, số 88/2024/NĐ-CP, số 102/2024/NĐ-CP… của Chính phủ có hiệu lực thi hành; xử lý lấn chiếm đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản có nơi chưa kịp thời, nghiêm túc; công tác thu gom chất thải rắn ở nông thôn chưa đạt phân kỳ kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, quyết liệt; sự phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương còn chậm, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; một số địa phương thực hiện chưa sát, đúng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo, điều hành chưa đạt phân kỳ kế hoạch đề ra;...
"Tăng tốc", "bứt phá" trong năm 2025
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, năm 2025 được xác định là năm "tăng tốc", "bứt phá", tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020–2025. Đây sẽ là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. “Tỉnh Bình Định xác định trọng tâm là phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế so sánh, đồng thời huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy đầu tư phát triển. Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong năm 2025 được đặt ra từ 7,6% đến 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%”, ông Phạm Anh Tuấn kết luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2025 là tập trung, khẩn trương rà soát, kịp thời triển khai Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, với phương châm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên thu hút đầu tư, tái cơ cấu kinh tế và khắc phục tồn tại như: thủ tục hành chính rườm rà, giải ngân vốn chậm tại một số lĩnh vực, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu san lấp.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tái cơ cấu sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Các cấp, các ngành cần cải tiến quy trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định 2021- 2030, tầm nhìn 2050; rà soát, đẩy nhanh các chương trình, đề án trọng tâm và dự án lớn đã phê duyệt.
Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh Bình Định đề nghị triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; phối hợp các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các CCN và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN. Rà soát các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư thứ cấp trong CCN đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc không triển khai theo đúng tiến độ, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trong tháng 12/2024.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án Hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thương mại điện tử cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu đề xuất Quy hoạch Trung tâm hội chợ triển lãm cấp vùng tại thành phố Quy Nhơn; Kế hoạch triển khai Phương án phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh; Đề án đầu tư phát triển hệ thống logistics tỉnh Bình Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch đã được phê duyệt”, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Chủ động phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định triển khai Phương thức vận hành Hệ thống điện Bình Định đảm bảo điện phục vụ sản xuất cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.