Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, mức tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 2,8%, giảm 3,9% so với mức dự báo đầu năm nay. Đây là mức giảm thấp so với các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg.
Dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy mức dự báo tăng trưởng 2,8% của Việt Nam trong năm nay cũng cao hơn mức dự báo tăng 2% của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, GDP của Philippines được dự báo sẽ giảm sâu tới 8,9% trong năm nay so với mức dự báo tăng 6,1% được đưa ra vào đầu năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Philippines sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng GDP lên tới hơn 15% - mức sụt giảm mạnh nhất trong khu vực. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á với gần 350.000 ca nhiễm bệnh.
Giữa tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quy mô GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 340,6 tỷ USD, vượt Singapore gần 1% tổng GDP, qua đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại châu Á đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Trong danh sách của Bloomberg, tăng trưởng GDP của Thái Lan và Malaysia trong năm 2020 được dự báo sẽ lần lượt giảm 10,1% và 9,8%, trở thành những nền kinh tế có mức sụt giảm tăng trưởng mạnh thứ 2 và thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Thái Lan đã kiểm soát được sự lây lan của đại dịch Covid-19 nhưng việc các quốc gia khác vẫn áp đặt các biện pháp kiểm soát việc di chuyển khiến ngành du lịch Thái Lan tiếp tục bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc đồng nội tệ Bath Thái liên tục tăng cao đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan.
Theo đánh giá mới nhất của IMF, dự báo GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 4,4%, thấp hơn so với mức dự báo giảm 5,2% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, IMF lại hạ dự báo triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 từ 5,4% xuống còn 5,2% với giả định các quốc gia áp đặt các biện pháp phong toả và kiểm soát di chuyển kéo dài đến năm 2021.
[Quảng cáo]