Đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam, thận trọng đang ngày càng trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy có sự thận trọng trong "cơn sốt" IPO đang diễn ra ở thị trường náo nhiệt nhất Đông Nam Á này. Với những thương vụ liên tiếp, Việt Nam, đã trở thành thị trường IPO nóng và lớn nhất khu vực trong năm qua nếu tính theo giá trị được công bố.
Thương vụ chào bán cổ phần của Vinhomes tới đây có thể trở thành thương vụ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong một công bố mới đây, Vingroup cho biết Vinhomes đã thu hút được 1,3 tỷ USD từ quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore. Vincom Retail JSC, công ty phụ trách khai thác các trung tâm thương mại của Vingroup, cũng đã thu về 708 triệu USD trong đợt chào bán hồi tháng 10 năm ngoái.
Ngân hàng Techcombank dự kiến cũng sẽ huy động 922 triệu USD trong đợt IPO tới đây.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn đối với các thương vụ cổ phần hóa. Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động bán cổ phần của các công ty quốc doanh. Thị trường tăng trưởng tốt được xem là thuận lợi với nhà nước trong quá trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp.
VTVCab - nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn thứ 2, đã phải hủy bỏ kế hoạch IPO vào tuần trước khi chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu giá. Trong khi đó, giá cổ phiếu của tổng công ty Sông Đà cũng đang được giao dịch thấp hơn 28% so với phiên IPO hồi tháng 12 năm ngoái. Nhà đầu tư cũng đã mất 35% so với thời điểm IPO của Tổng công ty Phát điện 3 vào tháng 2 vừa qua.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Trải qua hàng loạt sóng gió những năm đầu thập niên này, kinh tế Việt Nam đang rất khỏe mạnh. GDP của Việt Nam đã tăng 7,4% trong quý 1/2018, mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Ở trong nước, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cùng sức mua lớn trong khi xuất khẩu cũng có nhiều dấu hiệu khả quan với các mặt hàng như dầu thô, cà phê, giày dép và điện tử từ các nhà máy mà Samsung, LG đặt tại Việt Nam.
Tiêu biểu cho sự đi lên của Việt Nam là Vingroup. Tập đoàn này bây giờ đang chuẩn bị đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô. Dù rằng cũng giống như Proton của Malaysia khi bắt đầu chế tạo những chiếc xe bản địa vào năm 1983, tham vọng sản xuất ra chiếc xe hơi mang thương hiệu Việt Nam giống như một cuộc "dấn thân" của Vingroup.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bùng nổ nhờ vào lượng tiền lớn từ bên ngoài. Có lẽ, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là các cổ phiếu đang trở nên đắt đỏ. 15 cổ phiếu Việt Nam lọt rổ MSCI sẽ thu được nhiều lợi nhất nếu Việt Nam bước chân vào danh sách các thị trường mới nổi. Vấn đề là, dù tăng 70% trong năm ngoái nhưng P/E của các cổ phiếu này ở mức 30 lần.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn trở lại với TPP, Việt Nam có thể sẽ trở thành công xưởng của thế giới tiếp theo ở châu Á. Tuy nhiên, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi trước xu thế này và đó có thể là điều bất lợi nếu có điều gì khiến các nhà đầu tư cảm thấy họ đã sai thời điểm.