Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Gia Lai; đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam bộ.
Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào ba lĩnh vực thế mạnh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.
Đặc biệt, có khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng vừa được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.
Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Chủ tịch tỉnh Gia Lai chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu mà Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua, nhất là cải thiện chỉ số cạnh tranh, thu hút đầu tư. Gia Lai có đất đỏ bazan màu mỡ thuận lợi phát triển cây công nghiệp và hệ thống đường giao thông khá đầy đủ, có truyền thống lịch sử, không gian văn hóa cồng chiêng… là vùng đất giàu tiềm năng. Cùng với phát triển kinh tế, cần phải bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa bản địa.
Để phát huy thế mạnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai cần phải có bước quy hoạch tạo đột phá, tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng (giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội…). Làm phải tập trung, tránh manh mún, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là tiếp tục cải cách hành chính. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ cao, phát triển công nghệ số. Chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư tập trung khai thác thế mạnh Gia Lai. Nghiên cứu vùng đất, đầu tư có tâm huyết để tạo nên sự chuyển biến, phát triển theo chiều sâu, lâu dài. Từ đó, biến những cái khó thành dễ, cái không thể thành có thể.
Đặc biệt, đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành phải có trách nhiệm và đồng hành, hỗ trợ Gia Lai phát triển. Tuyệt đối không được hạch sách, nhũng nhiễu, tiêu cực, tránh tình trạng “bắt địa phương chạy lên, chạy xuống vẫn giải quyết không xong”.