Trong quý I và quý II năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 315 triệu USD, tăng 25,84% so với cùng kỳ năm 2020. Song tính từ đầu tháng 7 khi dịch Covid-19 hoành hành hầu hết cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành chức năng đang tìm biện pháp hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng là do giá nông sản và khối lượng mặt hàng xuất khẩu tăng, chủ yếu là các sản phẩm hồ tiêu, cao su, cà phê và trái cây. Ngoài ra còn có nguyên nhân nguồn cung tại một số quốc gia tương đồng về sản phẩm với Việt Nam bị hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất và hoạt động xuất khẩu không bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo điều kiện duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi.
Cụ thể, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng Công ty xuất khẩu bằng 125% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp 6 tháng đầu năm 2021, Công ty xuất khẩu được 80 ngàn tấn cà phê, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số ấn tượng, điều đó thể hiện việc sản xuất những sản phẩm xuất khẩu đều đảm bảo các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và gặp nhiều thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng với đối tác, cũng như chủ động phương thức vận chuyển…
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh rất tốt. Thời điểm trên, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nên việc tổ chức thu hoạch, thu mua và chế biến hết sức thuận lợi. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh tỉnh Gia Lai đang có vùng nguyên liệu Chanh dây khoảng 6.500 ha. Đơn vị đã tổ chức tốt việc thu mua sản phẩm chanh dây cho nông dân về chế biến tại nhà máy. Vấn đề xuất khẩu cũng gặp thuận lợi bởi xuất hàng qua 2 cảng là Quy Nhơn và Đà Nẵng, nơi đều đang khống chế tốt dịch Covid-19”.
Ngay từ đầu tháng 7, tình hình xuất khẩu Nông sản của Tỉnh lại bước vào một thời kỳ rất khó khăn, nó có thể kéo dài đến hết năm 2021. Khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng hàng xuất khẩu của đơn vị chủ yếu thông qua các cảng lớn ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, các hãng tàu và container vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn, việc giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi trở về từ vùng dịch, buộc phải cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp, hiện Công ty đang tồn khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, còn do thiếu tàu, container, xe vận chuyển, nhân công. Hiện các khu công nghiệp lớn có chi nhánh của Công ty như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh gần như bị tê liệt do dịch bệnh. Do vậy, việc xuất khẩu hàng của Công ty đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai cho hay: Hiện tại, nguyên liệu của Công ty rất nhiều nhưng công nhân thì lại thiếu. Bình thường cần đến khoảng 600 công nhân làm việc tại nhà máy. nhưng hiện tại chỉ khoảng 300 công nhân đang làm việc, do phải thực hiện nghiêm quy định giãn cách.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã kịp thời nắm bắt và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động đưa ra phương án thích hợp, nhằm giúp đỡ doanh nghiệp, bà con nông dân vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất khẩu. phải tìm ra biện pháp hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho bà con nông dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tránh tổn thất lớn cho người dân. Hệ thống chế biến trên địa bàn tỉnh phải khắc phục đảm bảo không bị ùn ứ tại khâu chế biến, tăng cường hoạt động một cách an toàn để đảm bảo thu mua và chế biến hết nông sản cho nông dân.