Biến tiềm năng thành lợi thế
Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, bao gồm: Trục kinh tế động lực quốc lộ 279 (gồm các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và Thành phố Điện Biên Phủ), trục kinh tế sinh thái sông Đà (gồm các huyện Mường Chà, Tủa Chùa và Thị xã Mường Lay) và trục kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé.
Các trục kinh tế này có nhiệm vụ khai thác các tiềm năng và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế của từng vùng để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thủy điện, khai khoáng, chăn nuôi đại gia súc. Việc quy hoạch vùng đã giúp Điện Biên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, công nghiệp chế biến, phát triển cây công nghiệp như mắc ca, cà phê, cao su, cây ăn quả như cam, chanh leo, xoài.... Đồng thời, thông qua quy hoạch vùng, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, gắn với phát triển du lịch.
Việc quy hoạch vùng dựa trên lợi thế đã giúp Điện Biên khai thác tối đa các tiềm năng khoáng sản, phát triển thủy điện nhỏ từ 10MW đến 40MW, phát triển sản xuất gắn với chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu gạo tại huyện Điện Biên, Mắc Ca tại huyện Điện Biên và Mường Nhé, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa, phát triển chăn nuôi đại gia súc ở các huyện như Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ...
Đồng thời hình thành và phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi các sản phẩm hàng hóa có giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nội tỉnh, cũng như vùng Tây Bắc và mở rộng thị trường ở trong nước và xuất khẩu. Đến nay, đã hình thành được mô hình trồng cây ăn quả như cam, chanh leo tại các vùng vườn tạp và đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trọng điểm tại một số địa phương như: Huyện Mường Ảng với mô hình cây ăn quả của Doanh nghiệp Quang Hà, chanh leo của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc. Huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa với mô hình cây ăn quả, liên kết chuỗi trong thực hiện nông thôn mới….Huyện Điện Biên là trang trại cây ăn quả liên kết chuỗi trong thực hiện nông thôn mới tại xã Thanh Hưng, Noong Luống.
Về công nghiệp chế biến, hiện nay Tập đoàn cao su Việt Nam đã đầu tư thành lập 2 công ty chế biến cao su tại Điện Biên gồm Công ty cao su Mường Nhé và Công ty cao su Điện Biên với tổng diện tích 5000ha. Đồng thời nhà máy chế biến mắc ca tại Điện Biên, hoa quả tại Mường Ảng cũng đang được xúc tiến thành lập.
Tạo đột phá để thu hút đầu tư
Nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn về kinh tế, xã hội, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để tạo động lực, sự đột phá trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng tiếp tục đẩy mạnh, hoạt động gặp gỡ đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư được tổ chức thường xuyên… Qua đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2019, 9 bậc so với năm 2016), nằm trong nhóm khá của cả nước và khu vực miền núi phía Bắc.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Cơ sở hạ tầng như giao thông, lưới điện và hạ tầng phục vụ hoạt động công nghiệp, thương mại đã được quan tâm và dần phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Một số tuyến đường giao thông quan trọng ra các cửa khẩu, lối mở như: cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (giáp với Lào), Lối mở A Pa Chải (giáp với Trung Quốc) đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đã phát triển đa dạng trong và ngoài nước, hiện nay tỉnh có các tuyến xe liên vận quốc tế sang 5 tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Băng, Bo Kẹo, Luông Nậm Thà, U Đôm Xay, Phông Sa Ly) đã được mở, tạo điều kiện cho giao thương, phát triển thương mại, du lịch...
Đặc biệt, tỉnh đang thúc đẩy việc mở rộng sân bay Điện Biên thành sân bay quốc tế. Đến tháng 4/2021 sẽ khởi công. Dự kiến đến năm 2030, công suất được nâng lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ máy bay.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh “Khi dự án mở rộng sân bay Điện Biên hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, bởi sân bay Ðiện Biên Phủ là cầu nối quan trọng kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và cả quốc tế”.
Trong những năm qua, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô theo quy hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng ước đạt 7,84%/năm.