Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều khó khăn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đã được Điện Biên triển khai, trong đó tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính là một trong những giải pháp được triển khai tích cực.
Từ đầu năm đến nay, Điện Biên đã tiến hành tư vấn hỗ trợ thủ tục hành chính về cơ chế chính sách, thuế đối với một số dự án về trồng rừng và trồng cây mắc ca. Cụ thể là Dự án Trồng cây mắc ca kết hợp với cây đàn hương và dược liệu tại xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo); Dự án Trồng cây mắc ca kết hợp với cây dược liệu xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên). Ðồng thời, tư vấn hỗ trợ về thủ tục hành chính các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như: Dự án Ðiều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4, TP. Ðiện Biên Phủ; Dự án Bến xe khách và Khu dân cư tại xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ…
Điện Biên đã có nhiều nỗ lực tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh. Bằng việc ban hành nhiều cơ chế, giải pháp và chương trình hành động cụ thể, theo công bố của VCCI, chỉ số PCI của Ðiện Biên năm 2019 đạt 64,11 điểm, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2018), nằm trong nhóm khá của cả nước và khu vực miền núi phía Bắc.
Điện Biên hiện có có 1.348 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 23.035 tỷ đồng và 205 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương. Với kỳ vọng tạo bước đột phá hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, ngày 3/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 821/QÐ-UBND về việc phê duyệt ban hành Ðề án “Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương tỉnh Ðiện Biên - DDCI”.
Quá trình khảo sát được thực hiện qua 3 hình thức: Bằng thư tín qua đường bưu điện, trực tuyến trên hòm thư trực tuyến kiểm soát đồng thời bởi đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì, trực tiếp tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố và thực tế tại một số doanh nghiệp nhằm xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng. Qua đó đánh giá khách quan ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh về năng lực của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.
Ðây được kỳ vọng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Điện Biên xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố với 81,42 điểm tăng 1 bậc so với năm 2018.
Kết quả cải cách hành chính thời gian qua cũng góp phần thu hút đầu tư của tỉnh. Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 189 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng. Thông qua công tác xúc tiến đầu tư, một số tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, TH, Vietjet Air... quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Từ những kết quả đạt được, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 với mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu có từ 12 - 15 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư ước khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư phải xác định về tính khả thi, phương thức, thời gian, kinh phí và tiến độ triển khai, chú trọng vào hoạt động thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường. Ðồng thời, tăng cường gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn về kỹ năng xúc tiến đầu tư và quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Với định hướng đó, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, nhận diện đúng mức các thách thức, trong thời gian tới Điện Biên sẽ tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng việc cải thiện chỉ số có mức điểm thấp, nhằm duy trì và tăng thứ bậc trên cả nước, với mục tiêu để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội của Điện Biên.