Tiềm năng chờ cơ chế
Ngày 8.1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 02/2019/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN, theo đề nghị của Bộ Công thương. Quyết định 02 tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan đến vấn đề điện mặt trời trên mái nhà.
Theo đó, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Điện mặt trời 'vượt trần' Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định tại khoản 1 điều 12 Quyết định 11/2017. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí. Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng VN so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước VN công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
VN được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời. Theo số liệu đánh giá của ngành điện, ở VN cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, khoảng 5 kWh/m2/ngày và số giờ nắng đến khoảng 1.700 - 2.500 giờ/năm. Đặc biệt là TP.HCM, ước tính tổng bức xạ theo phương ngang (GHI) trung bình hằng năm tại khu vực phía nam (trong đó có TP.HCM) là 4,8 - 5,5 (kWh/m2/ngày). Thế nhưng tính đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 850 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu với 765 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình, tổng công suất đạt 8,18 MWp.
Vẫn vướng ở hóa đơn
Quyết định số 11/2017 quy định các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Cơ chế bù trừ điện năng được thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi đưa vào VN lại vướng các quy định tài chính như cách tính thuế giá trị gia tăng, phát hành hóa đơn. Trong khi đó EVN cũng cho rằng bị lúng túng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng như thế nào.
Theo thông lệ quốc tế, với cơ chế bù trừ điện năng, trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định đối với dự án nối lưới. Cái vướng của quy định cũ là khi người dân bán điện cho công ty điện lực phải có hóa đơn để ngành điện thực hiện thủ tục tài chính. Nhưng người dân muốn có hóa đơn thì phải thành lập doanh nghiệp. Đây là khó khăn lớn nhất trong thời gian qua và là nút thắt khiến cho điện mặt trời dù có tiềm năng nhưng chưa phát triển được như kỳ vọng.
Quyết định 02/2019 mới ban hành chỉ đề cập đến việc tính riêng chiều giao và chiều nhận mà chưa nói đến việc giải quyết các vấn đề liên quan thủ tục tài chính. Theo các chuyên gia, nếu tách riêng hai dòng điện như vậy có thể sẽ phát sinh hai hóa đơn, hai lần giao dịch trên cùng một hệ thống/công tơ. “Tôi thật sự cũng chưa hiểu rõ lắm về quyết định mới này sẽ triển khai như thế nào, có thể phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương hoặc cách thức mà ngành điện sẽ triển khai. Vì nếu tách ra như vậy mà không giải quyết được vấn đề hóa đơn bán điện của bên bán là các dự án điện trên mái nhà quy mô hộ gia đình, sẽ ảnh hưởng đến việc xã hội hóa nguồn cung, giảm áp lực cho ngành điện”, một chuyên gia về năng lượng nhận xét.
Tiềm năng điện mặt trời vẫn đang chờ các chính sách thiết thực, trong đó nút thắt đã được nói khá nhiều là vấn đề bán điện mặt trời từ các hộ gia đình. Tháo được nút thắt này, hàng triệu mái nhà sẽ phát điện, sức ép đáp ứng nhu cầu của ngành điện sẽ giảm mạnh. Từ đó, chúng ta có thể tính tới việc hạn chế phát triển các dự án điện than gây ô nhiễm môi trường.