Ngày 25/7/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào.
Cùng tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tổng công ty Đông Bắc; Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power).
Nhiều nỗ lực triển khai nhưng còn tồn tại thách thức
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Đức Duy - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết, triển khai MOU được ký giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào vào tháng 7/2023, Vụ Dầu khí và Than đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và các đơn vị cung cấp than xem xét ưu tiên việc mua than của Lào cho việc sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn than từ Lào với trị giá khoảng 159 triệu USD, và trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Lào khoảng 1,17 triệu tấn than, với giá trị khoảng 75,8 triệu USD.
Dù vậy, để đạt được mục tiêu mà MOU đề ra là xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi Bên, ông Trịnh Đức Duy cho rằng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vướng mắc lớn nhất đối với nguồn than từ Lào hiện nay, theo ông Duy, là phương thức vận chuyển duy nhất hiện tại là bằng đường bộ với quãng đường dài hơn 300km, nhiều đoạn địa hình hiểm trở, dễ bị ách tắc do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết. Chi phí vận tải cao làm tăng giá than nhập khẩu từ Lào dù giá mua tại mỏ tương đối thấp, dẫn đến việc than nhập khẩu từ Lào khó cạnh tranh với than sản xuất trong nước cũng như than nhập khẩu từ các thị trường có thể vận chuyển bằng đường biển như Australia và Indonesia.
Mặt khác, việc thiếu cơ chế cho Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước của Việt Nam ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với các chủ mỏ than ở Lào; chất lượng than Lào chưa hoàn toàn phù hợp dẫn đến phải pha trộn thêm; hay năng lực thông quan còn hạn chế cũng là những thách thức đặt ra trong gia tăng nhập khẩu than từ Lào.
Vì vậy, Vụ Dầu khí và Than đề xuất, Bộ Công Thương sớm có đề nghị với Chính phủ Lào xem xét, chỉ đạo các đơn vị sản xuất than, các chủ mỏ than nghiên cứu, có các giải pháp để giảm giá thành, góp phần làm tăng tính cạnh tranh với than nhập khẩu từ các thị trường khác.
Bên cạnh đó, cũng đề nghị Chính phủ Lào nghiên cứu đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các tuyến đường vận chuyển than từ Lào sang Việt Nam; nghiên cứu chính sách hỗ trợ trong xuất khẩu than về Việt Nam, trong đó xem xét không áp dụng thuế xuất khẩu 10% đối với xuất khẩu than sang thị trường Việt Nam.
Về phía Việt Nam, cũng cần cải tạo, nâng cấp các tuyến đường để đáp ứng năng lực vận chuyển, đồng bộ với hệ thống tuyến đường khi phía Lào cải tạo, cùng với đó thúc đẩy việc xây dựng tuyến băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho than tập kết của hai nước để đảm bảo cho việc than về Việt Nam thuận lợi và đồng bộ.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị EVN, PVN, TKV, PV Power, Tổng Công ty Đông Bắc và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy mua bán than với Lào.
Đẩy mạnh hợp tác thương mại than giữa Lào và Việt Nam
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, xác định việc thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về than cho điện và sản xuất của Việt Nam, cũng như đồng hành với nước bạn vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này.
Do vậy, Bộ trưởng đánh giá cao các tập đoàn, các tổng công ty, đặc biệt là những đơn vị có chức năng nhập khẩu và trực tiếp sử dụng than, đã nỗ lực thực hiện nhập khẩu than từ Lào theo Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Lào.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc mua bán than với Lào còn đang gặp vướng mắc ở một số vấn đề, cụ thể: (i) giá than nhập khẩu từ Lào chưa thật sự cạnh tranh; (ii) cơ chế mua than chưa hợp lý, chưa có cơ chế mua bán than dài hạn; (iii) chất lượng than nhập khẩu từ Lào chưa phù hợp; và (iv) năng lực tiếp nhận than và hệ thống kho bãi của Việt Nam và Lào còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy hoạt động mua bán than từ Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị quán triệt chủ trương chung là đẩy mạnh việc hợp tác thương mại than giữa Lào và Việt Nam theo tinh thần "giúp bạn là giúp mình".
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị trực tiếp sử dụng than, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường phối hợp hiệu quả; thực hiện tốt các hợp đồng cung cấp than cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Thực hiện nghiêm điều khoản cam kết tại các Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện đã ký.
Đồng thời, chủ động, tích cực trong thực hiện đàm phán với đối tác trong nhập khẩu than từ Lào nhằm mục tiêu "nhập khẩu càng nhiều càng tốt".
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho các hộ tiêu thụ theo các Hợp đồng mua bán than đã ký; trong mọi trường hợp không được để xảy ra đứt gãy nguồn cung.
Tính toán và xác định chính xác năng lực sản xuất để có kế hoạch, giải pháp tổ chức sản xuất hợp lý, khai thác hiệu quả nguồn than trong nước; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch nhập khẩu than để bảo đảm cung cấp đủ theo cam kết tại Hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, tích cực, chủ động tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) để có giải pháp tháo gỡ trong hoạt động sản xuất kinh doanh than, nhất là đối với các vấn đề liên quan đến việc cấp phép hoạt động khoáng sản than, mua than trong dài hạn và vấn đề tồn kho.
Ngoài ra, cần có văn bản cụ thể kiến nghị Chính phủ về việc áp dụng cơ chế ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với nhà cung cấp phía Lào với giá thế giới.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Vụ Dầu khí và Than chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và các đơn vị khác liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và điều chỉnh.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Cục Điều tiết điện lực định kỳ hằng quý rà soát, cập nhật Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện phù hợp tình hình thực tế. Đề xuất cơ chế cho các Tập đoàn/Tổng Công ty ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với nhà cung cấp phía Lào để báo cáo Thủ tướng quyết định.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và tỉnh Quảng Trị thúc đẩy chủ đầu tư khẩn trương triển khai việc đầu tư băng tải vận chuyển than. Đồng thời, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng Công ty cùng với Vụ Dầu khí và Than đưa ra những kiến nghị đề xuất tại kỳ họp thứ 47 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.
Cục Điều tiết điện lực và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các doanh nghiệp sử dụng than tăng cường duy tu, bảo dưỡng và thực hiện dự trữ bắt buộc than cho phát điện để bảo đảm cho mọi tình huống.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian tới, một mặt vẫn cần tiếp tục rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực khai thác, sản xuất than trong nước nhằm đảm bảo giữ được mức giá than ổn định; mặt khác, cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu than từ Lào, gia tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu than cho điện và sản xuất trong nước.