Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 4/2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN.
Đến nay, đại dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. IMF (14/4/2020)dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, giảm 6,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2020; WTO (8/4/2020) cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra lần này có thể sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Ước tính, xuất nhập khẩu hàng hóa toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm 13%, thậm chí giảm đến 32% so với năm 2019. Các chỉ số tăng trưởng của nhiều quốc gia đã ghi nhận sụt giảm rõ ràng. Điều này cho thấy nguy cơ các nền kinh tế sẽ tiếp tục suy thoái nặng nề trong quý II/2020 và có thể vượt mức các chuyên gia kinh tế dự báo.
Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%
Bộ Công Thương đánh giá, bước sang tháng 4, tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện rõ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).
Cụ thể, ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3%. Trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2% (cùng kỳ tăng 18,6%); sản xuất đồ uống giảm 13,9% (cùng kỳ tăng 11,6%); chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8% (cùng kỳ tăng 13,8%); sản xuất trang phục giảm 6,3% (cùng kỳ tăng 8,8%); dệt chỉ tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 12,1%); ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 8,4%).
Ngành khai khoáng giảm 6,8% (4 tháng/2016 giảm 1,6%; 4 tháng/2017 giảm 9,7%; 4 tháng/2018 giảm 1,2%; 4 tháng/2019 bằng cùng kỳ năm trước) chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8% (cùng kỳ giảm 4,1%).
Ngành sản xuất, phân phối điện tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất tháng 4 giảm 9,7% so với tháng trước và giảm 7% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 4 ước đạt 16.600 triệu kWh, giảm 2,7% so với tháng 3 và giảm 6,8% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 71.676,2 triệu kWh, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2019; điện thương phẩm ước đạt 65.882,3 triệu kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Việc giảm phụ tải góp phần giảm áp lực cho ngành điện trong việc đảm bảo điện trong tháng 4. Dù vậy, ngành điện vẫn liên tục cập nhật và dự báo nhu cầu sử dụng điện, đồng thời chuẩn bị các kịch bản khác nhau có tính đến việc nền kinh tế sẽ hồi phục sau dịch bệnh nhằm kịp thời ứng phó trong các tháng nắng nóng sắp tới và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện một cách tốt nhất.
Xuất siêu 2,78 tỷ USD
Trong khi đó, bước sang quý II, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh.
Về xuất khẩu, tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3/2020.
Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 14,42 tỷ USD. Sự sụt giảm được thể hiện rõ ở các ngành hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 17,7% so với tháng 3/2020, đạt 3,0 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 52,9%, đạt 2,5 tỷ USD; hàng dệt và may mặc giảm 31,2%, đạt 1,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 16,0%, đạt 1,65 tỷ USD; giày dép các loại giảm 13,5%, đạt 1,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 29,3%, đạt 697 triệu USD...
Do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng 3, trong đó Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới.
Sang tháng 4 kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 27,1% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 57,9% so với tháng 3/2020, đạt 128 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 6,4% so với tháng 3/2020, ước đạt 2,03 tỷ USD.
Các thị trường hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4 với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 12,0%; Nhật Bản giảm 20,6%; Hàn Quốc giảm 16,5%; EU giảm 32,2%; Hoa Kỳ giảm 25,9%...
Về nhập khẩu, xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 78,08 tỷ USD (cùng kỳ tăng 10,7%).
Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 2,78 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019.
Như vậy, các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đều cho thấy chịu tác động khá lớn từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, đánh giá trong bối cảnh chung cho thấy hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm (trong khi họ chịu tác động của dịch bệnh sau ta) thì việc Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và bảo đảm thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm là một kết quả cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Trong 3 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,39%; Nhật Bản giảm 5,5%; Singapore giảm 3,3%; Ấn Độ giảm 12,7%...).
Tổng mức bán lẻ giảm lần đầu trong nhiều năm
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 4/2020, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%).
4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước - là mức giảm đầu tiên trong vòng nhiều năm qua. (Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 10,7%; 10%; 10%; 11,3%; 11,9%).
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ đã chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn kiểm soát tốt hơn, để chủ động triển khai công việc của Bộ trong thời gian tới, kịp thời có các biện pháp vừa tiếp tục phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Công tác để xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Mục tiêu của việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động này là:
(1) Tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona (Covid-19) trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương trong giai đoạn mới;
(2) Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.