Nông sản, rau quả là mặt hàng rất nhạy cảm, chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid- 19. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 525,6 triệu USD, giảm 22,7%, chiếm tỷ trọng 59%.
Đứng thứ hai là các nước ASEAN với kim ngạch đạt 84,9 triệu USD, tăng 147,9%, chiếm tỷ trọng 9,5%. Thứ ba là Hàn Quốc đạt 41,6 triệu USD, tăng 33%, chiếm tỷ trọng 4,7%. Tiếp đến là các thị trường: EU (đạt 37,1 triệu USD, tăng 10,3%, chiếm tỷ trọng 4,2%); Hoa Kỳ (đạt 35,8 triệu USD, tăng 12,8%, chiếm tỷ trọng 4.02%); Nhật Bản (đạt 35,6 triệu USD, tăng 26%, chiếm tỷ trọng 4,0%).
Có thể thấy, ngoại trừ xuất khẩu sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc thì hầu hết các thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam đều tăng trưởng tốt với mức tăng trưởng trên hai con số.
Tuy nhiên, do Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao trong tổng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam (59%), nên xuất khẩu sang các thị trường khác dù tăng cao vẫn không bù đắp được mức giảm mạnh từ thị trường này mặc dù các doanh nghiệp, thương nhân đã có sự điều chỉnh thị trường, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Tới đây, khi vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương; tại miền Nam là xoài, chôm chôm... đang chuẩn bị vào chính vụ, do vậy, những giải pháp nào sẽ tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu các mặt hàng này, nhất là hi vọng quả vải Việt Nam sẽ lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong năm 2020?
Mới đây, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương để làm rõ hơn về nội dung này.
Phóng viên: Xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản lần đầu tiên đang gặp nhiều vướng mắc khi phía nước bạn vừa có thông tin về việc họ không thể cử chuyên gia sang do ảnh hưởng của Covid-19. Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã có động thái gì để quả vải của Việt Nam có thể được xuất khẩu sang thị trường này, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản: Trước tiên, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương đã rất chủ động trong tìm kiếm thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể, ở Bắc Giang, Hải Dương, các tỉnh đều tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng có liên quan, mời các địa phương phía biên giới về cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp, giải pháp tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải thiều trước vụ thu hoạch.
Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực đối với thị trường Nhật Bản bởi chúng ta đã đàm phán để đưa quả vải thiều sang thị trường này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ Covid- 19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi, do vậy, Bộ Công Thương đã có công hàm gửi cho các cơ quan của chính quyền Nhật Bản đề nghị có những biện pháp linh hoạt để có thể thúc đẩy xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ trao đổi thêm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cơ quan đầu mối, cùng phối hợp với phía Nhật Bản để có thể đưa ra nhóm giải pháp phù hợp nhất.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản chia sẻ những giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai, thực hiện để thúc đẩy xuất khẩu quả vải nói riêng, rau quả trái cây nói chung
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc kiểm tra hệ thống khử trùng trong thời gian trước mắt; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa, kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng...
Phóng viên: Mặt hàng quả vải nói riêng, rau quả, trái cây nói chung là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lên đến trên 3,5 tỷ USD (trong năm 2019). Với tác động của Covid- 19, Bộ Công Thương có khuyến cáo gì cũng như giải pháp như thế nào để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới?
Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản: Để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như để đảm bảo xuất khẩu bền vững lâu dài, về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Việc cung cấp thông tin đã được Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên trang cổng thông tin của Bộ.
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cũng đã thường xuyên đăng tải các thông tin này đến các cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, người nông dân để từ đó người nông dân có những định hướng về sản xuất.
Đối với thị trường Trung Quốc, việc tháo gỡ giữa hai bên để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hai bên trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, các cửa khẩu đã dần được mở rộng thêm và thời gian thông quan đã tăng thêm. Dự kiến trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung sang Trung Quốc sẽ được cải thiện...
Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tập trung sản xuất theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Người nông dân nên sản xuất theo đúng quy định, yêu cầu mà các doanh nghiệp, nhà phân phối đặt ra.
Bởi lẽ, muốn định hướng phát triển lâu dài thì đầu tiên các sản phẩm phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đồng đều, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì... cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu.
Riêng với công tác phát triển thị trường nói chung, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm hiểu thêm các thị trường, giới thiệu thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam. Ngoài quả vải thiều tươi thì còn giới thiệu thêm các sản phẩm đã chế biến sâu, đây là định hướng để có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên triển khai hội nghị kết nối cung - cầu giữa các địa phương; giữa các địa phương với các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị.
Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức kết nối với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, sản phẩm nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến/online để tiếp tục kết nối giao thương, hỗ trợ duy trì và thúc đẩy chuỗi cung cầu hàng hóa nông thủy sản, trái cây trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, ASEAN...