Giải pháp nâng cao chất lượng
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Bắc Giang xác định, để có vụ vải thiều thắng lợi, việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng quả vải, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Xác định chất lượng quyết định đến đầu ra và giá thành của quả vải nên ngay từ đầu vụ, người dân và chính quyền các cấp đã chủ động triển khai nhiều giải như; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao chất lượng vải thiều đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là đối với 77ha vải được cấp mã vùng xuất đi Nhật và 217ha đủ điều kiện xuất đi Mỹ và các nước Châu Âu.
Đối với vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chính quyền các cấp đã hướng dẫn người trồng theo quy trình để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất. Tập huấn cho nông dân quy trình sản xuất, an toàn, đặc biệt là quy trình VieGAP, bên cạnh đó người nông dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, không được sử dụng thuốc trừ cỏ, không phun quá liều lượng, không đúng thời điểm; sử dụng thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép trên quả vải, đảm bảo tuyệt đối không nhiễm ruồi đục quả.
Đặc biệt hướng dẫn người trồng bón phân, tưới nước theo đúng quy trình, để làm sao quả vải đạt chất lượng tốt nhất. Khi thị trường tiêu thụ càng khó khăn thì càng phải nâng cao chất lượng tôt nhất. Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang xác định vấn đề tiêu thụ là rất khó khăn, để vượt qua, phải nâng chất lượng vải thiều. do vậy, vải thiều năm nay chất lượng sẽ tiếp tục được nâng cao.
Mở rộng thị trường tiêu thụ ứng phó với khó khăn
Trao đổi với ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài các thị trường truyền thống như thị trường Trung Quốc, Sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt thị trường trong nước cần được trú trọng mở rộng tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, các thương nhân phân phối, chợ đầu mối tại các thành phố lớn, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, phấn đấu tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 60% tổng sản lượng. Bên cạnh đó, tiến hành mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ, ngoài ra Sở Công Thương cũng đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước…đồng thời, thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến.
Đến nay đã có 2 doanh nghiệp xuất khẩu (Công ty TNHH Chánh Thu, tỉnh Bến Tre và Công ty Ameil Việt Nam) trực tiếp lên các nhà vườn tại huyện Lục Ngạn khảo sát, lấy thông tin, lựa chọn vùng trồng, danh sách hộ tham gia, xúc tiến việc thu mua vải thiều xuất sang Nhật Bản. Đại diện phía Công ty Ameil Việt Nam ( có trụ sở tại số 1, ngõ 43, đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho hay, dự kiến năm nay doanh nghiệp này sẽ thu mua và xuất sang Nhật Bản khoảng 50 tấn vải thiều của Lục Ngạn.
Hy vọng với sự chủ động chăm sóc, hướng dẫn người trồng vải nâng cao chất lượng, cùng với những kế hoạch cụ thể trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm, vụ vải thiều năm 2020 Bắc Giang sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục là năm thắng lợi lớn.