Dự thảo Thông tư này quy định một số nội dung kỹ thuật liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước ta.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nội dung, các bước chính của công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí
Theo dự thảo, nội dung chính của công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí bao gồm:
1. Khoanh vùng, xác định và xếp hạng các đối tượng (plays), cấu tạo, bẫy, thân chứa có tiềm năng chứa dầu khí.
2. Xác định hệ thống dầu khí, đánh giá đặc tính thấm - chứa, tính chất chất lưu và khả năng thương mại của đối tượng, thân chứa.
3. Đánh giá tiềm năng và rủi ro của các đối tượng chứa dầu khí chưa phát hiện/phát hiện và xây dựng phương án tìm kiếm thăm dò.
4. Đánh giá tài nguyên, trữ lượng dầu khí và xác định quy mô của các phát hiện và các yếu tố rủi ro dầu khí để xây dựng các kế hoạch thăm dò thẩm lượng dầu khí, lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.
Các bước chính của công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí bao gồm:
- Triển khai công tác nghiên cứu địa chất - địa vật lý: Thu thập thông tin về tài liệu địa chất, địa vật lý và các thông tin liên quan đến địa chất và tiềm năng dầu khí.
- Triển khai công tác địa vật lý: Thực hiện tổ hợp các công việc khảo sát, thu nổ, xử lý, minh giải tài liệu địa vật lý: địa chấn 2D/3D, trọng lực, từ, ảnh viễn thám chi tiết phục vụ việc xác định vị trí giếng khoan, đánh giá tài nguyên, trữ lượng dầu khí và thiết kế giếng thăm dò, thẩm lượng.
- Triển khai công tác đánh giá trước khi khoan (báo cáo đánh giá tiềm năng, báo cáo phương án địa chất giếng khoan, chương trình khoan).
- Thi công khoan giếng tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng.
- Triển khai công tác đánh giá sau khi khoan (báo cáo nghiên cứu sau khoan, báo cáo kết thúc địa chất giếng khoan, báo cáo tổng kết hoạt động thi công giếng khoan).
Các quy định chung khi tiến hành thăm dò địa vật lý
Nội dung chính kế hoạch triển khai thăm dò địa vật lý bao gồm: Phương án, mục tiêu công tác thăm dò địa vật lý; phương pháp thực hiện thăm dò địa vật lý; công tác quản lý an toàn, môi trường khi thực hiện thăm dò địa vật lý; kế hoạch giao nộp tài liệu thăm dò địa vật lý trong và sau khi thực hiện.
Khi tiến hành thăm dò địa vật lý, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm: Ban hành hướng dẫn về công tác an toàn, quy trình, tổ chức và phân công trách nhiệm; bố trí biển báo, chỉ dẫn cần thiết, thông báo tới các phương tiện lưu thông trong khu vực triển khai; ban hành quy trình vận hành, bảo trì, kiểm tra phương tiện, thiết bị phục vụ thăm dò địa vật lý theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc cung cấp phương tiện, thiết bị; tiến hành thăm dò địa vật lý theo kế hoạch, diện tích, khu vực và mạng lưới tuyến đã được chấp thuận.
Sau khi kết thúc thăm dò địa vật lý, người điều hành thông báo và gửi báo cáo kết quả thăm dò địa vật lý theo quy định hợp đồng dầu khí hoặc thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu có).
Đưa công trình khai thác dầu khí vào vận hành
Công trình khai thác dầu khí phải được nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành, sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật, hợp đồng dầu khí và các hợp đồng, thỏa thuận được ký kết giữa các bên liên quan.
Đối với các công trình dầu khí nằm trong vùng nước cảng biển hoặc luồng hàng hải, trước khi đưa công trình vào vận hành, sử dụng, người điều hành phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí theo quy định tại Luật Dầu khí và Nghị định số 45/2023/NĐ-CP.
Vùng an toàn này phải được chỉ dẫn bằng hệ thống báo hiệu hàng hải và phải được thể hiện trên hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải hoặc hải đồ khu vực theo quy định về hàng hải.
Các trường hợp cần ngừng hoạt động khai thác dầu khí
Người điều hành phải ngừng ngay các hoạt động khai thác trong các trường hợp sau:
- Hoạt động khai thác gây ra các tai nạn, sự cố nghiêm trọng;
- Việc tiếp tục hoạt động khai thác sẽ gây ra mất an toàn nghiêm trọng cho người làm việc, công trình khai thác hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về chất thải, bảo vệ môi trường;
- Có người bị trọng thương mà nếu không dừng hoạt động khai thác thì sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác hoặc sự cố gây nguy hiểm cho con người và nguy hại nghiêm trọng cho thiết bị;
- Khi một giếng trên khu vực khai thác bị mất kiểm soát hoặc có nguy cơ bị mất kiểm soát, người điều hành phải đóng các giếng thuộc khu vực khai thác đó cho tới khi các nguy cơ trên được khắc phục.
Người điều hành chỉ được tiếp tục các hoạt động khai thác trở lại khi hoàn tất các điều chỉnh, sửa chữa đáp ứng các yêu cầu pháp luật về an toàn và bảo vệ môi trường.