Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Đề án xây dựng Bộ chỉ số FTA Index

Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2022, Bộ Công Thương triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index năm 2021 lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 3174/BCT-ĐB ngày 8/6/2022 về việc xin ý kiến về dự thảo Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương. 

Theo dự thảo, xây dựng FTA Index sẽ được thực hiện bởi Bộ Công Thương thông qua việc khảo sát, thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước; thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và người nước; phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán Bộ chỉ số; đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi các FTA tại từng địa phương thông qua Bộ chỉ số của địa phương đó.

Trong Dự thảo Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện. Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2022, Bộ Công Thương triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index năm 2021 lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong năm 2023, sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho năm 2023, trong đó tiếp thu các ý kiến đã được nhận từ các bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia. Bộ Công Thương cũng sẽ mở rộng phạm vi điều tra và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa vào các phản biện đã nhận được trong giai đoạn khởi tạo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán Bộ chỉ số FTA Index cho việc thực thi của các địa phương trong năm 2022.

Từ năm 2024 trở đi, việc điều tra để thu thập dữ liệu sơ cấp làm cơ sở để đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ được tiến hành hàng năm, trong đó, mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, điều chỉnh các kết quả đạt được trong năm trước đó, cùng các phản hồi của các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực để đưa ra và thí điểm những điều chỉnh cần thiết, nhằm hoàn thiện hơn Bộ chỉ số này.

Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA chính là thước đó khách quan để đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành, cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng, nhằm thực thi các FTA. 

Ngoài ra, Bộ chỉ số này còn tạo động lực tăng trưởng quan tâm và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong kế hoạch thực thi, cũng như biện pháp cần thiết để tận dụng hiệu quả các FTA...

Trước đó, ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) hàng năm của các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương. 

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành việc khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Bảng hỏi, thực hiện điều tra khảo sát trên lượng mẫu nhỏ. Bằng dữ liệu thu thập được, Bộ Công Thương đã đưa ra các mô hình để đánh giá dữ liệu, từ đó tìm cách tính toán đối với Bộ chỉ số FTA Index.

Từ khảo sát trên, Bộ Công Thương cũng thử nghiệm thu thập dữ liệu cho việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hội nhập FTA tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam (chỉ số FTA) và đề xuất 4 chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số hội nhập FTA. Đó là tiếp cận thông tin về các FTA; thực hiện quy định pháp luật; một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; và thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.  

Kết quả, chỉ số hội nhập FTA hợp thành từ 4 chỉ số thành phần theo thang điểm 100, đánh giá mức độ khác biệt giữa các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA. Theo đó, tỉnh có điểm số tổng hợp cao nhất là 68,59 điểm, trong khi tỉnh có số điểm thấp nhất chỉ đạt 36,34 điểm. Theo kết quả thí điểm năm 2021, chỉ có 1 tỉnh nằm trong nhóm Rất tốt và 9 tỉnh nằm trong nhóm Tốt, số tỉnh nằm trong nhóm chất lượng Khá là 21, có 22 tỉnh nằm trong nhóm Trung bình, 9 tỉnh nhóm Tương đối thấp và 1 tỉnh trong nhóm Thấp.

 

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành việc khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Bảng hỏi, thực hiện điều tra khảo sát trên lượng mẫu nhỏ. Bằng dữ liệu thu thập được, Bộ Công Thương đã đưa ra các mô hình để đánh giá dữ liệu, từ đó tìm cách tính toán đối với Bộ chỉ số FTA Index.

Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện khảo sát với khoảng 1.650 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trong đó 67,78% công ty TNHH, 20,36% công ty cổ phần, 10,49% doanh nghiệp tư nhân, và 1,47% các loại hình khác. Đa số các doanh nghiệp phản hồi khảo sát là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số phản hồi.

Theo kết quả khảo sát, đối với việc tiếp cận thông tin về các FTA, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp về các FTA là khá khiêm tốn. Trong 3 hiệp định: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), mức độ nhận biết của Hiệp định CPTPP là cao nhất, tuy nhiên, cũng chỉ ở mức 30%; EVFTA 29%; UKVFTA 14% dù hiệp định này mới chỉ được ký kết vào ngày 20/12/2020. Khoảng 14% doanh nghiệp cung cấp thông tin về FTA khác, như FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Về hoạt động tuyên truyền, phổ biến các FTA tại địa phương, khoảng 20% doanh nghiệp cho biết từng tham gia sự kiện tập huấn về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, có đến 80% doanh nghiệp cho biết chưa tham gia bất kỳ sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức. Tuy nhiên các doanh nghiệp đánh giá chất lượng của các sự kiện phổ biến FTA là khá tích cực.

Đối với thực hiện các quy định pháp luật hướng dẫn các FTA, theo khảo sát của Bộ Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA cho doanh nghiệp là khá cao. Mặc dù vậy, 65% doanh nghiệp gặp vướng mắc đều nhận được giải đáp hiệu quả từ các cơ quan nhà nước tại địa phương. Các doanh nghiệp vừa và lớn đánh giá chất lượng giải đáp thắc mắc của cơ quan nhà nước địa phương là hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Bộ Công Thương, đây có thể là gợi ý hữu ích cho các cơ quan nhà nước có liên quan cân nhắc quan tâm hơn tới việc giải đáp cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Về đánh giá một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA, theo khảo sát, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận biết được về các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA. Mức độ tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao nhất, nhưng cũng chỉ 1,2% doanh nghiệp đã tham gia. Dù số lượng các doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ chưa nhiều, nhưng theo khảo sát, nếu có thể tiếp cận, đa phần các doanh nghiệp cảm thấy việc thực hiện các thủ tục hưởng hỗ trợ từ một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA là thuận lợi, với tỷ lệ đánh giá hoàn toàn thuận lợi, phần lớn thuận lợi là 72,5-76%; các chương trình này cũng được doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ hữu ích, với tỷ lệ đánh giá hoàn toàn hữu ích/phần lớn là hữu ích rơi vào khoảng 74,7-49,4%.

Cũng theo khảo sát, mặc dù chưa nhiều doanh nghiệp (37%) biết rõ các quy định về việc thành lập các tổ chức lao động tại doanh nghiệp theo cam kết FTA, song tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã tuân thủ quy định thành lập tổ chức của người lao động lại khá cao, lên đến 71%.

Ngoài ra, khi khảo sát về việc thực hiện cam kết về phát triển bền vững, chỉ có 21% doanh nghiệp biết đến các quy định về phát triển bền vững do chính quyền địa phương ban hành; 44% doanh nghiệp cho biết có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát triển bền vững; 18% doanh nghiệp đã tham gia các chương trình hỗ trợ này.

 

Đăng Huy