Ngày 23/01/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp ông Michael Kellner - Nghị sỹ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức (BMWK) dẫn đầu Đoàn kinh tế bao gồm đại diện của 12 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức theo tháp tùng Đoàn Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Tham dự buổi tiếp có lãnh đạo các Đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Vụ: Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Chính sách thương mại đa biên, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại.
Hoan nghênh đoàn công tác của BMWK theo tháp tùng Tổng thống Đức tới làm việc tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Frank - Walter Steinmeier là lần tiên một Tổng thống Đức thăm Việt Nam sau 17 năm, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới đẩy mạnh hợp tác trong một số trụ cột chính, trong đó có hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân vui mừng nhận thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế ngày càng có những diễn biến phức tạp, các doanh nghiêp Đức vẫn coi Việt Nam là một trong các thị trường có tiềm năng phát triển nhất ở Châu Á; đồng thời, với chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Đức, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức.
Trong khuôn khổ buổi tiếp, hai bên đã trao đổi tình hình thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và tác động của Hiệp định tới quan hệ song phương. Theo đó, Hiệp định EVFTA đã tạo ra tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và CHLB Đức, cụ thể trong việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Đức; cũng như Hiệp định tạo thuận lợi cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại từ Đức, qua đó tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường.
Trong lĩnh vực đầu tư, tác động với dòng vốn đầu tư từ CHLB Đức vào Việt Nam cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Ở cấp độ vĩ mô, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng thuận lợi cho hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và CHLB Đức trong thời gian tới.
Về lĩnh vực năng lượng, hai bên đã điểm lại nhiều dự án hợp tác hiệu quả trong thời gian qua. Phía Việt Nam cho rằng, Quy hoạch điện VIII được thông qua tạo ra không gian phát triển mới của ngành năng lượng, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư CHLB Đức quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
Do vậy thời gian tới, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy hợp tác với Chính phủ Đức trong lĩnh vực năng lượng như: công nghệ năng lượng tái tạo (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt,...) và năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…); chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng; công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu hiệu suất cao; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Về phần mình, ông Michael Kellner và đoàn doanh nghiệp lớn của Đức đánh giá rất cao Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường năng động và tiềm năng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong đoàn mong muốn hợp tác và đầu tư vào các công ty tại Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, thiết bị, công nghệ đo lường công nghiệp, vật liệu mới, dịch vụ môi trường, tổ chức hội chợ...
Trong bối cảnh thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức phần nào có sự chững lại do nhiều nguyên nhân khách quan đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiếp đến là các bất ổn địa chính trị như xung đột Nga - Ukaine, xung đột Israel - Hamas..., việc nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Đức tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam tiếp tục là tiền đề xây chắc mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực trong nhiều lĩnh vực liên quan, là điểm sáng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức năm 2023 đạt 11,09 tỷ USD, giảm 11,9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 7,4 tỷ USD giảm 17,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2022.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính đến hết tháng 10 năm 2023, CHLB Đức nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam đạt trị giá gần 12,3 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm 2023 đạt trên 15,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với 10 tháng năm 2022. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Đức từ Việt Nam là máy móc thiết bị; giày dép; dệt may; cà phê, trà, gia vị; trái cây và các loại hạt… Sự chênh lệch về kim ngạch chủ yếu do phương pháp thống kê và áp dụng quy tắc xuất xứ khác nhau.
Cũng theo thống kê từ Destatis, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 25/239 quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hóa được nhập khẩu vào Đức và đứng thứ hạng 49/239 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá từ Đức. Hiện nay, chính sách của Đức đối với cộng đồng doanh nhân người Việt tại Đức ngày càng thuận lợi.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 12 năm 2023, Đức có 463 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,683 tỷ USD, đứng thứ 17/143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Về đầu tư của Việt Nam vào Đức, hiện có 37 dự án đầu tư vào Đức với tổng số vốn đăng ký là 283,3 triệu đô la Mỹ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, tin học, bán buôn bán lẻ ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, thương mại…