Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện; áp dụng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện, đơn vị cung cấp dịch vụ điều chỉnh phụ tải điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
![Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/bo-cong-thuong-quy-dinh-noi-dung--trinh-tu-thuc-hien-cac-chuong-trinh-quan-ly-nhu-cau-dien_67aecb7dca529.jpg)
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 30/11/2024, Luật Điện lực số 61/2024/QH15 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025. Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Điện lực, quản lý nhu cầu điện bao gồm các hoạt động: khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Điện lực năm 2024: Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nhu cầu điện quốc gia phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, trong đó bao gồm các biện pháp quản lý nhu cầu điện, cơ chế tài chính và trách nhiệm tham gia của các bên liên quan. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Điều tiết điện lực đã rà soát các quy định tại Luật Điện lực và tiến hành xây dựng Thông tư quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện.
Cục Điều tiết điện lực nhận định, trong những năm gần đây, việc thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM - Demand Side Management) tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song hiệu quả vẫn chưa như mong đợi và còn nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của người sử dụng điện chưa cao, dẫn đến việc tham gia các chương trình DSM chưa đồng bộ. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ quản lý điện tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các giải pháp tiên tiến. Bên cạnh đó, vấn đề cơ chế tài chính và chính sách khuyến khích cũng cần được cải thiện để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn từ các thành phần kinh tế và người dân.
Thông tư số 07/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, phương pháp và trình tự thực hiện nghiên cứu phụ tải điện và Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện; đồng thời bổ sung các trình tự thực hiện dưới Thông tư, chi tiết trong các Phụ lục kèm theo. Đặc biệt, Thông tư số 07/2025/TT-BCT đã cập nhật, bổ sung mới nội dung “Chương trình dịch chuyển phụ tải điện” nhằm giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm, giảm bớt áp lực phụ tải tăng cao trong các khung giờ cao điểm lên hệ thống, phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc tích hợp các quy định tại các Thông tư nêu trên tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư gồm 05 Chương, 45 Điều và 06 Phụ lục quy định về nội dung, trình tự thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện.
Chi tiết, xem tại đây.