Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực và một số cơ quan, tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngày 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
"Đây là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, đồng thời cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất xanh trong một thế giới đầy biến động", Bộ trưởng nói.
Theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn tuân thủ 3 quan điểm: (i) Phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; Tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan; (iii) đảm bảo đầy đủ cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thi hành.
“Để ban hành được Cơ chế DPPA là cả quãng đường dài từ khi nghiên cứu đến lúc được ban hành, Bộ Công Thương đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, đồng thời đã tham khảo ý kiến của nhiều Bộ, ngành, và nhiều chuyên gia, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Phạm Quang Huy cho biết.
Việc xây dựng Nghị định tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã triển khai lấy ý kiến bằng nhiều hình thức (đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương; lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp chuyên đề để lấy ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động của chính sách. Theo đó, các đối tượng chịu tác động chính có ý kiến thống nhất cao đối với cơ chế DPPA.
Cơ chế DPPA nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, các cơ quan liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, chính vì vậy mà Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo để xây dựng và ban hành Cơ chế DPPA theo hình thức rút gọn. Chính vì vậy, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (ngày 3/7/2024).
Xem toàn văn Nghị định số 80/2024/NĐ-CP trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cơ chế DPPA quy định hai hình thức tham gia mua bán điện trực tiếp bao gồm qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.
Bố cục của Nghị định bao gồm 05 Chương, 30 Điều và 05 Phụ lục:
- Chương I: Quy định chung, gồm gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5).
- Chương II: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, gồm 03 điều (từ Điều 6 đến Điều 8).
- Chương III: Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, gồm 04 mục và 16 điều (từ Điều 9 đến Điều 24).
- Chương IV: Trình tự thực hiện và chế độ báo cáo, gồm 04 điều (từ Điều 25 đến Điều 28).
- Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 29 và 30).
- Các Phụ lục để hướng dẫn các đơn vị đàm phán hợp đồng mua bán điện, gồm: (i) Hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay; (ii) Hợp đồng kỳ hạn; (iii) Hợp đồng mua bán điện giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng Công ty Điện lực; (iv) tính toán chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch tháng M; và (v) Mẫu báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp.