Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi của Doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hóa thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triền kinh tế đất nước. Năm 2007, theo đề nghị của Hiệp hội VATAP và các cơ quan liên quan, Chính phủ có văn bản số 6512/VPCP-V.1 ngày 12 tháng 11 năm 2007 đồng ý chọn ngày 29 tháng 11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho người dân, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, quy mô sản xuất ngày càng lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt là tập trung vào các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội như mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện tử - điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm, v.v… Những nỗ lực này đã mang lại dấu hiệu tích cực trên thị trường, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở một số ngành đã có dấu hiệu giảm, ví dụ như mặt hàng mỳ chính, mũ bảo hiểm...
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 17.396 vụ hàng giả, kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xử phạt các đối tượng vi phạm với số tiền 57,6 tỷ đồng. Xử lý hàng hóa vi phạm chất lượng và giả mạo sở hữu trí tuệ với giá trị trên 35,9 tỷ đồng. Ước tính trong 10 tháng năm 2015, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 16.876 vụ, xử phạt 53,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 41,4 tỷ đồng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever cho biết, trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Anh David Cameron vào tháng 7 và Thứ trưởng phụ trách quyền sở hữu trí tuệ vào tháng 9, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đã được đề cập đến như một vấn đề quan trọng trong việc xúc tiến mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Năm 2015, Vương quốc Anh được xếp hạng thứ 2 trong Chỉ số sáng tạo toàn cầu và là quốc gia có đặc điểm nổi trội về các sáng kiến trong khoa học và nghiên cứu. Do đó, Vương quốc Anh đặc biệt quan tâm đến Quyền Sở hữu trí tuệ và có nhiều kinh nghiệm cũng như chuyên gia sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất cán bộ công chức, nâng cao năng lực thực thi trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ đạt hiện quả cao. Lực lượng quản lý thị trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi khác và các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng để công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi nhất là việc giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Nhân dịp kỷ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch VATAP kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là các doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội cần tăng cường đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hàng giả, chú trọng triển khai đăng ký bảo hộ Quyền Sở hữu trí tuệ, công bố và thực hiện tiêu chuẩn hợp quy - hợp chuẩn sản phẩm, thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin tình hình hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, đối với lực lượng thực thi cần hợp tác chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo đường dây nóng, kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ. Ông cũng kêu gọi cộng đồng, người tiêu dùng Việt Nam hãy bài trừ hàng giả, hàng xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, các lực lượng thực thi trong việc phản ánh, cung cấp thông tin về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời đề nghị cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình cần tăng thời lượng trên các kênh phát sóng nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của cộng đồng, góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong cuộc đấu tranh chống lại vấn nạn mang tính toàn cầu.
Ngay sau Lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, Ban tổ chức Chương trình đã trao 150 giải thưởng Thương hiệu vàng, logo và slogan ấn tượng năm 2015 cho các cá nhân, doanh nghiệp và thương hiệu đạt giải. Đây được cho là sự kết hợp có ý nghĩa thiết thực giữa các lực lượng thực thi, Hiệp hội và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Ông Nguyễn Hồng Linh - Tổng giám đốc Tổng công ty Bia Hà Nội nhận giải Thương hiệu Vàng - Lô gô và Slogan ấn tượng năm 2015Các doanh nghiệp nhận Giải Lô gô, slogan ấn tượng năm 2015