Chiều 2/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng, với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: "Thách thức, cơ hội và giải pháp".
Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương thống nhất cao với Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và kết quả triển khai kế hoạch của Hội đồng điều phối vùng năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.
Để góp phần làm sâu sắc thêm những kết quả đạt được và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ trong năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vùng Đông Nam Bộ năm 2024 và giải pháp tạo động lực mới cho xuất khẩu công nghiệp của Vùng năm 2025.
Vùng Đông Nam Bộ đóng góp gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển; có mạng lưới giao thông kết nối trong nước, quốc tế với đủ cả 5 phương thức vận tải và là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam cũng như cả nước với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế thuận lợi, đóng vai trò “đầu mối” giao lưu, hội nhập quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển các loại hình dịch vụ logistic lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ còn có tài nguyên phong phú cả trên đất liền và thềm lục địa như dầu mỏ, khí đốt và ngư trường trọng điểm.
Những năm qua, kinh tế Vùng phát triển khá nhanh, đóng góp lớn nhất so với các vùng kinh tế khác về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước; trong đó, công nghiệp và thương mại, dịch vụ được xác định là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vùng.
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đóng góp tới 42% tổng thu NSNN và gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vai trò cực tăng trưởng của cả nước.
Trong 10 tháng năm 2024, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục đạt kết quả tích cực. Nổi bật là: (i) Chỉ số sản xuất công nghiệp Vùng duy trì mức tăng trưởng khá cao (9,3%), cao hơn mức tăng chung của cả nước (8,3%); (ii) Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,7% so với cùng kỳ, vượt 4,8% mức tăng bình quân cả nước (8,5%); (iii) Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong đó, hầu hết các địa phương trong Vùng đều có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD); xuất siêu đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 1/5 thặng dư thương mại của cả nước (23,3 tỷ USD).
"Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp, thương mại của Vùng cũng còn những tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, quá trình đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị còn chậm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa tạo được đột phá; Hạ tầng phục vụ xuất khẩu như dịch vụ logistics, kho, cảng…còn hạn chế, làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu", Tư lệnh ngành Công Thương nêu.
4 nhóm giải pháp tạo động lực mới phát triển công nghiệp, thương mại của Vùng
Để tạo động lực mới, giúp các địa phương trong Vùng có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại (trong đó có xuất khẩu công nghiệp của Vùng), ngoài việc tập trung khắc phục các hạn chế như nêu trên, cần quan tâm theo dõi sát tình hình thị trường xuất khẩu năm 2025, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do sức cầu phục hồi chậm và các chính sách mang tính bảo hộ cao.
Trong bối cảnh đó, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về thể chế, chính sách.
Cần tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh và khả thi. Bên cạnh đó, mỗi địa phương trong Vùng cần chủ động rà soát, cập nhật và nếu cần thiết, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Làm tốt công tác quán triệt và triển khai sớm, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới, có tính đột phá của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhất là các cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh và các Luật, cơ chế, chính sách mới được ban hành, như: (i) Các luật về đầu tư, tài chính ngân sách, đất đai và Luật Điện lực (sửa đổi); (ii) Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; (iii) Đặc biệt là các chính sách đột phá mới ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái... tạo dư địa phát triển kinh tế Vùng và mỗi địa phương.
Thứ hai là nhóm giải pháp về hạ tầng.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hoà với ngoại lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, giao thông trọng điểm và hạ tầng logistics, nâng cao khả năng kết nối về hạ tầng nội vùng, liên vùng.
Chủ động tạo quỹ đất sạch và huy động hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch để thúc đẩy phát triển thực chất các hành lang công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao; Sớm hình thành, phát triển Hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - thương mại, dịch vụ trong bán kính trên/dưới 100km so với điểm nút giao thông trọng yếu của Vùng; đặc biệt, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt, phát huy thế mạnh công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu; phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo để phục vụ trong nước và hỗ trợ xuất khẩu; chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, tự động hóa, công nghiệp môi trường, chế biến sâu nông-thủy sản… Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Chú trọng khai thác vị trí địa chiến lược và lợi thế đặc thù về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Vùng với 5 phương thức vận tải thuận lợi (gồm cả đường biển - hàng không - đường sắt - đường thủy nội địa - đường bộ) để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics, các trung tâm trung chuyển kho vận hiện đại (gắn với cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc-Nam, Đông -Tây, đường sắt tốc độ cao trong lương lai…) nhằm khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Thứ ba là nhóm giải pháp về thu hút đầu tư.
Căn cứ định hướng tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, các địa phương chủ động ban hành hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá và khả thi để khai thác có hiệu quả lợi thế nổi trội, cạnh tranh của Vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử; công nghệ số…
Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như: Công nghệ AI; sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới); phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; Đồng thời, tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cùng phát triển một cách thực chất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ, thích ứng, chống chịu cao trước biến động của thị trường.
Thứ tư là nhóm giải pháp về phát triển thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại); Chú trọng phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới;
Tận dụng tối đa cơ hội của các FTA mà nước ta là thành viên để thu hút đầu tư, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
"Điển hình như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - UAE mới được ký kết ngày 28/10 vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường nhiều tiềm năng ở Trung Đông-Châu Phi và khối thị trường Halal. Nhiều sản phẩm chủ lực của Vùng được UAE ưu đãi lớn, cần tập trung khai thác như nông sản (hạt điều, hạt tiêu, mật ong), thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…", Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, các địa phương trong Vùng cần tập trung khai thác và chú trọng thực hiện Đề án xuất khẩu chính ngạch, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết hợp với việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế, chú trọng khai thác phát triển kinh tế biên mậu, kết hợp thương mại-du lịch và gắn phát triển thương mại, du lịch với phát triển kinh tế ban đêm để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ.
Để thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ và các quy hoạch ngành Quốc gia trong lĩnh vực Công Thương đã được phê duyệt (Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện lực, Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản); tập trung thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và công nghiệp vật liệu mới.
Các địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong kích cầu tiêu dùng trong nước, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, theo dõi sát diễn biến thị trường, chính sách của các đối tác thông qua việc tham gia giao ban định kỳ với hệ thống Thương vụ toàn thế giới để kịp thời có phản ứng phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở phát huy hệ thống các trường ĐH và CĐ trong ngành Công Thương trên địa bàn.
Về Kế hoạch công tác của Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ năm 2025, Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ KH&ĐT. Đồng thời, đề nghị Hội đồng tập trung phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể đã nêu trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo Quyết định 1325 ngày 04/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn để các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua; sớm hoàn tất thủ tục thực thi Hiệp định FTA với UAE.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết, mở mới thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực còn nhiều tiềm năng; Tăng cường các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm hỗ trợ công nghiệp tại TP. HCM, các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, cảnh báo sớm nguy cơ các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tại nước ngoài.