Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vào chiều nay 16/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của tỉnh Quảng Trị và đưa ra nhiều giải pháp để tỉnh Quảng Trị phát triển hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quảng Trị thuộc tiểu vùng Bắc Trung bộ, có lợi thế nổi trội về vị trí địa lý - kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội, là cửa ngõ ra biển Đông của các nước trên Hành lang kinh tế Đông – Tây, là địa phương có đủ phương thức vận tải (mặc dù chưa có sân bay nhưng di chuyển đến các sân bay khác chỉ 1 giờ đồng hồ); đặc biệt có hệ thống hạ tầng quan trọng của quốc gia đi qua như đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, tuyến hành lang ven biển, cảng biển, cửa khẩu quốc tế; là địa phương có nhiều nắng và gió nên có tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo. Quảng Trị cũng là mảnh đất địa linh với bề dày lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng và khí phách quật cường của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, Quảng Trị cũng là địa phương có thời tiết rất khắc nghiệt, thường bị thiên tai bão lũ. Vì nhiều lý do nên các tiềm năng thế mạnh của địa phương vẫn chưa phát triển tương xứng. Những kết quả tích cực đã đạt được hiện nay cũng là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra nhiều giải pháp để Quảng Trị khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương, phối hợp, tạo điều kiện để triển khai tốt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia để tạo động lực và dư địa mới cho phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất, xuất khẩu, giải quyết việc làm...
Đối với 4 quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực Công Thương gồm: Quy hoạch điện 8, Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia; Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 có hàng chục dự án thuộc 4 ngành này. “Quy hoạch có rồi, kế hoạch có rồi, cơ chế chính sách có rồi, việc của địa phương là đẩy nhanh triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, lao động, đặc biệt là có cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư về để đầu tư phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Tỉnh Quảng Trị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trung ương và các địa phương để thực hiện các giải pháp để hình thành các hệ sinh thái dịch vụ, công nghiệp; khai thác được tiềm năng để phát triển công nghiệp – dịch vụ. Quan tâm, thực hiện các quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý, sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, thay vì xuất khẩu qua biên giới như hiện nay.
"Đề nghị địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, chú trọng kết hợp du lịch với thương mại; du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; kết hợp giữa du lịch, thương mại với xuất khẩu tại chỗ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị và cho biết thêm, Quảng Trị cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gồm thương mại truyền thống (thông qua phát triển hệ thống chợ) và thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Chú trọng đến nguồn gốc nguyên liệu.
Đối với những sản phẩm xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu khai thác từ rừng và nuôi trồng khai thác từ biển cần chú ý đến quy hoạch sản xuất, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cấp mã số rừng rồng, vùng nuôi để không vi phạm các quy định của các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU, Hoa Kỳ. "Quảng Trị và các địa phương cần kết hợp phát triển rừng trồng để bảo đảm nguồn cung cho sản phẩm đồ gỗ; chú trọng phát triển thị trường tín chỉ carbon để giúp sản phẩm gỗ đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, xuất khẩu vào các thị trường khó tính", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi các kiến nghị của tỉnh Quảng Trị.
Đối với kiến nghị giúp Quảng Trị hiện thực hoá mục tiêu trở thành Trung tâm Năng lượng khu vực miền Trung đến năm 2030, bổ sung Quy hoạch điện VIII để tỉnh phát triển các dự án điện gió (ngoài khơi, trên đất liền), điện mặt trời, các dự án điện khí và LNG; phát triển các cơ sở công nghiệp khí khác tại Khu Kinh tế Đông Nam; phát triển các dự án hydroxanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, về nguyên tắc Bộ Công Thương đồng tình, ủng hộ Quảng Trị để khai thác tiềm năng tối đa, phát triển các nguồn năng lượng, nhất là các nguồn năng lượng nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp mới. Bộ Công Thương đồng thuận việc phát triển tối đa những nguồn năng lượng tái tạo đã có.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đồng ý với đề xuất ủng hộ Quảng Trị trong khai thác đường biên giới và cửa khẩu đất liền với nước bạn Lào để phát triển khu kinh tế biên giới, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản vùng biên giữa hai nước, tăng thu hút đầu tư.
“Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước với 2 nước Trung Quốc, Lào về việc thí điểm xây dựng khu kinh tế biên giới. Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Trị sớm có nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình kinh tế xuyên biên giới với nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đối với các kiến nghị về phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực đảo Cồn Cỏ, Bộ Công Thương đồng tình với phương án cấp điện cho đảo Cồn Cỏ bằng điện mặt trời và điện gió trên bờ. Riêng điện gió ngoài khơi ở khu vực này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, còn phụ thuộc vào các yếu tố tiềm năng, yếu tố an ninh quốc phòng.