Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Trương Thanh Hoài và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ. Về phía tỉnh Ninh Thuận có ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành và đơn vị của tỉnh.
Xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước
Báo cáo của tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có địa giới chung với các tỉnh Khánh Hoà ở phía Bắc, Bình Thuận ở phía Nam, Lâm Đồng ở phía Tây, phía Đông là biển Đông. Diện tích đất tự nhiên là 3.360,1 km2. Tỉnh hiện có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, gồm TP Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc.
Ninh Thuận cũng là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí,...).
Theo ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, sau khi Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, được sự quan tâm hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh; đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 (Nghị quyết số 115/NQ-CP), đã tiếp sức và là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ chấp thuận Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm Năng lượng, Năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 239/KH-TU ngày 26/5/2020 thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Nghị quyết và Kế hoạch này thể hiện sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh khóa XIV, với mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,...; đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Đồng bộ Quy hoạch các cấp và bố trí quỹ đất để phát triển năng lượng
Về hiện trạng phát triển năng lượng, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đầu tư và đưa vào vận hành thương mại 57 dự án với các nguồn điện (điện mặt trời, điện gió, thủy điện) với tổng công suất 3.749,942 MW. Theo đó, các dự án này đã góp phần đem lại nhiều ưu điểm trên các lĩnh vực, cụ thể như: (i) đóng góp an ninh năng lượng quốc gia; (ii) huy động vốn đầu tư; (iii) phát huy hiệu quả sử dụng đất; (iv) chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; (v) đóng góp vào ngân sách của tỉnh; và (vi) giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Về tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII của tỉnh, căn cứ theo Danh mục dự án các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024), UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai rà soát tính đồng bộ Quy hoạch các cấp và bố trí quỹ đất để phát triển năng lượng.
Theo đó, UBND đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát tính đồng bộ cấp Quy hoạch từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện… và cập nhật quy hoạch sử dụng đất đối với các danh mục nguồn và công trình hạ tầng truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch thời kỳ 2021-2030, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; chỉ đạo UBND các huyện thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án năng lượng và công trình hạ tầng truyền tải.
Hiện nay, tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 01 dự án mới trong danh mục dự án các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Danh mục Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và trong Danh mục các chương trình, công trình dự án quan trọng quốc gia trong điểm ngành năng lượng (tại Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024), hiện nhà đầu tư đang triển khai hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: chưa có cơ chế chính sách về giá điện gió; chưa có phê duyệt phương án đầu nối; chưa có Nghị định hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà;...
Theo đó, ông Trịnh Minh Hoàng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, xem xét giải quyết đẩy nhanh tiến độ dự án trong Quy hoạch điện VII, điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII; báo cáo Chính phủ có ý kiến và sớm ban hành cơ chế chính sách giá điện gió trên bờ; thủy điện tích năng và ban hành Nghị định hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà để địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà để địa phương làm cơ sở pháp lý triển khai đầu tư; cập nhật 05 dự án điện mặt trời vào Danh mục Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; báo cáo Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách và quy định phát triển điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro;...
Đề xuất Xây dựng Trung tâm Công nghiệp, Dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận
Tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Thuận cũng có đề xuất về việc "Xây dựng Trung tâm Công nghiệp, Dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực". Theo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024, trong đó có định hướng “Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận”.
Đồng thời, định hướng xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo cũng được xác định tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII và được cụ thể hóa tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tại Kế hoạch này Bộ Công Thương đã đề xuất khu vực tỉnh Ninh Thuận là một trong các tỉnh sẽ hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung bộ-Nam bộ.
"Đề án "Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực" sẽ là cơ sở để tỉnh vươn lên phát huy mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo, với sự đóng góp của năng lượng chính là trụ cột thúc đẩy kinh tế xã hội trong 02 năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025, và tạo đà phát triển trong nhiệm kỳ 2026-2030, đưa Ninh Thuận phát triển xứng tầm với các tỉnh trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung, từ đó sẽ mở ra cơ hội ưu tiên thu hút các nhà đầu tư để được hưởng các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, góp phần vào sự phát triển chung kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung." - Ông Trịnh Minh Hoàng nhấn mạnh.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về buổi làm việc...