Dự báo lãi ròng năm nay có thể tăng 24%
Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB - sàn HoSE) khẳng định ngân hàng này đang duy trì lợi thế cạnh tranh tốt tại các thành phố cấp 2 và khu vực nông thôn; qua đó, mở ra dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Cụ thể, thị trường thành phố cấp 2 và khu vực nông thôn đang đóng góp tới 50% tổng số lượng khách hàng; 60% tổng số lượng chi nhánh; chiếm 40 - 50% tổng dư nợ cho vay và 38 - 45% tổng tiền gửi của Ngân hàng HDBank.
Ban lãnh đạo ngân hàng tin rằng việc thu hút khách hàng tại các khu vực này có nhiều tiềm năng trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng còn hạn chế so với các thành phố cấp 1.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Vietcap dự báo thu nhập lãi thuần năm nay của Ngân hàng HDBank có thể tăng tới 36% so với năm 2023, đạt 30.156 tỷ đồng; kéo theo đó, lợi nhuận ròng tăng gần 24%, đạt 12.444 tỷ đồng.
Biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng HDBank dự kiến đạt 5,26% trong cả năm nay, tăng 43 điểm cơ bản so với năm 2023. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng năm nay của ngân hàng mẹ có thể đạt 25% nhờ mô hình tài trợ cho các chuỗi cung ứng, kết hợp với việc tình hình kinh tế cải thiện sẽ hỗ trợ nhu cầu cho vay doanh nghiệp và cho vay bán lẻ. Qua đó, lọt top ngân hàng có mức NIM cũng như tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống.
Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng HDBank đã ghi nhận lãi ròng tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.465 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng đạt 13% so với hồi đầu năm.
Lợi thế từ mối quan hệ với IFC và kỳ vọng nới room ngoại
Cũng theo Chứng khoán Vietcap, Ngân hàng HDBank có một số lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn với mối quan hệ hợp tác chiến lược với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Mối quan hệ này hỗ trợ Ngân hàng HDBank quản lý chi phí huy động (vốn đang rất cao) và cho phép ngân hàng đổi mới mô hình hoạt động cho vay.
Hiện tổng giá trị giải ngân hợp tác giữa IFC và Ngân hàng HDBank đã đạt hơn 200 triệu USD và đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Việc tiếp cận nguồn vốn ngoại giá rẻ đã hỗ trợ Ngân hàng HDBank một phần bất lợi về chi phí vốn do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức thấp.
Ngoài ra, Ngân hàng HDBank cũng đang quan tâm đến việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Tại Hội nghị Nhà đầu tư hồi đầu tháng 3/2024, ông Hoàng Thanh Tùng - Giám đốc Ban quan hệ Nhà đầu tư Ngân hàng HDBank cho biết ngân hàng đã dành khoảng 10% room ngoại hiện nay cho việc phát hành tăng vốn và đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược.
Hiện Ngân hàng HDBank có giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) ở mức 20% và dự phòng 10% còn lại cho 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2025-2026.
Tuy nhiên, room ngoại của ngân hàng này có khả năng được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng lên mức 49% khi tham gia hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém.
Trên thực tế từ nhiều năm trước, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Ngân hàng HDBank, Ngân hàng Sacombank (STB), và Ngân hàng VPBank (VPB) là 03 ngân hàng được kỳ vọng có khả năng nới room ngoại lên mức “ngoại lệ” 49%.
Trong đó, hiện chỉ có Ngân hàng HDBank chưa có đối tác cổ đông chiến lược ngoại và Ngân hàng Sacombank còn dư địa kỳ vọng lớn từ khoản hơn 32% cổ phần STB của ông Trầm Bê đang được xử lý để đấu giá theo đề xuất. Riêng Ngân hàng VPBank đã có đối tác chiến lược ngoại SMBC (Nhật Bản).
Nếu được triển khai, thương vụ bán vốn cho cổ đông ngoại sẽ mang lại một mức định giá mới cho Ngân hàng HDBank, cũng như cung cấp dòng vốn giá rẻ tiềm năng để hỗ trợ ngân hàng này mở rộng hoạt động kinh doanh hơn nữa.