Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Ngân hàng VietinBank, mã cổ phiếu CTG - sàn HoSE) vừa thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, Ngân hàng VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt từ 8 -10%; tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo từng thời kỳ; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng nhỏ hơn 1,8%.
Ngân hàng VietinBank cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm nay đạt 26.300 tỷ đồng (tương đương 1,06 tỷ USD), tăng 8,7% so với kết quả đạt được trong năm 2023.
Cho cả giai đoạn 2024 - 2029, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động có thể đạt 9 -10%/năm. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 2% và tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo theo quy định.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 30.513 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 12.960 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi trước thuế ngân hàng mẹ đạt 12.203 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 46% kế hoạch lãi cả năm.
Đáng chú ý, trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với Ngân hàng VietinBank.
Về vấn đề tăng vốn, mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình tăng vốn của Ngân hàng VietinBank được nhiều hãng chứng khoán đánh giá vẫn diễn ra khá chậm. Lần gần đây nhất, ngân hàng này tăng vốn là vào tháng 12/2023 thông qua việc chia cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng.
Với vai trò là trụ cột của hệ thống, góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, Ngân hàng VietinBank nói riêng và các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hiện đang có nhu cầu cấp thiết trong việc tăng vốn để giữ vững vai trò dẫn dắt ngành ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, vì đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của các ngân hàng này cần phải được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Thêm nữa, việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự khiến cho thời gian phê duyệt bị kéo dài.
Hệ quả của tình trạng này là quỹ lợi nhuận chưa phân phối của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh liên tục mở rộng qua các năm, trong khi vốn điều lệ đã bị các ngân hàng tư nhân lớn như Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng VPBank… vượt qua.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Ngân hàng VietinBank đã trình cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 là hơn 13.900 tỷ đồng để chia cổ tức và tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trước đó, Ngân hàng VietinBank cũng tiết lộ về kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của Ngân hàng VietinBank sẽ đạt trên mức 91.000 tỷ đồng.