Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng gồm 2 tổ máy với tổng công suất đặt 480MW và sản lượng điện trung bình tăng thêm 495 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng.
Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 1/2021, dự kiến tiến độ phát điện Tổ máy 1 vào tháng 6/2024; phát điện Tổ máy 2 vào tháng 10/2024.
Theo số liệu quan trắc thuỷ văn của Nhà máy thủy điện Hoà Bình hiện hữu trong 19 năm gần đây (1999-2018), tổng lượng nước xả thừa (không qua phát điện) là 175 tỷ m3, chiếm 19% lượng nước về hồ.
Riêng từ đầu mùa lũ năm 2022 đến nay, thủy điện Hòa Bình đã phải xả nước qua tràn để chống lũ 3 đợt tổng cộng 7,18 tỷ mét khối, tương đương thiệt hại 1,6 tỷ kWh.
Do đó, dự án mở rộng sẽ góp phần tận dụng khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của thủy điện Hoà Bình hiện hữu để phát điện, bổ sung điện năng vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, đặc biệt là các tháng 7, 8.
“Các tổ máy thủy điện công suất lớn như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có ưu thế trong điều chỉnh tần số của hệ thống điện và linh hoạt trong việc điều chỉnh cân bằng công suất phát với công suất phụ tải, nhất là đáp ứng phụ tải đỉnh và đặc biệt là dự phòng sự cố công suất (dự phòng nóng) rất linh hoạt cho hệ thống điện miền Bắc đang thiếu công suất vào các giờ cao điểm và trong bối cảnh khi các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang có xu thế ngày càng phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống điện”, báo cáo của EVN khẳng định.
Sau đợt mưa dài 7 ngày (11-18/10/2021) do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và số 8, ngày 17/10/2021, các đơn vị trên công trường thủy điện Hòa Bình mở rộng đã kiểm tra hiện trường và phát hiện khối trượt tại khu vực mái dốc đường R1, hố móng khu vực nhà máy và sau đó phát triển ngoài biên hố móng nhà máy.
Sau khi sạt trượt xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021 của Văn phòng Chính phủ và công điện số 1542/CĐ-TTg ngày 7/11/2021, các cơ quan chức năng gồm Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với EVN, Tư vấn thiết kế và Nhà thầu thi công, đã tiến hành kiểm tra hiện trường, họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh.
Công tác thi công xử lý khối sạt Đợt 1, Đợt 2 thuộc giai đoạn 1 đã hoàn thành công tác thi công tại hiện trường. Bên cạnh đó, công tác thi công Đợt 3 - giai đoạn 1 đang được nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị thi công dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2022.
Như vậy, đến nay, dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng đã phải dừng thi công hơn 8 tháng, nếu không triển khai thi công trở lại sớm sẽ có nguy cơ mất an toàn các hạng mục công trình đang thi công dở dang và phát sinh chi phí đầu tư xây dựng dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.
Với ý nghĩa quan trọng của dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần giải “bài toán” của dự án theo đúng quy định pháp luật, do vậy EVN, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, các chuyên gia,… cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra đánh giá và nhận xét khách quan để trên cơ sở đó thực hiện báo cáo cụ thể về kỹ thuật, đề xuất giải pháp, kiến nghị phù hợp đối với cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai thi công dự án trong điều kiện an toàn nhất.