Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lại khái niệm kinh doanh vận tải bằng ôtô

Đó là 1 trong 7 nội dung được Bộ Tư pháp góp ý bằng văn bản gửi đến Bộ Giao thông vận tải về dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề trong dự thảo đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng cần được xem xét, chỉnh sửa hoặc loại bỏ. 

Dự thảo nghị định tiếp tục duy trì cơ chế đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng ký để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải.

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá lại sự cần thiết của quy định này. Quy định như dự thảo nghị định có thể tạo cơ chế xin - cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cần xem xét loại bỏ.

Theo Bộ Tư pháp, dự thảo nghị định đã quy định doanh nghiệp phải có phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Do đó, chỉ nên quy định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm lắp phù hiệu theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lại khoản 2 điều 3 dự thảo nghị định liên quan khái niệm kinh doanh vận tải bằng ôtô. 

Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Theo Bộ Tư pháp, với quy định như trên thì bất kỳ đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng ôtô. 

 

Tuy nhiên, dự thảo nghị định chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng ôtô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.

Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, ở điểm c khoản 1 điều 7 dự thảo nghị định quy định "ôtô có sức chứa dưới 09 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải bảng điện tử với chữ xe "XE HỢP ĐỒNG"...". 

Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định này vì điểm a, điểm b khoản 1 điều 7 dự thảo nghị định đã quy định tất cả các loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG", vì vậy việc quy định như tại điểm c khoản 1 điều 7 dự thảo nghị định là không cần thiết.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ quy định trong thời gian 1 tháng xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng...

Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành chính, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.