Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có của doanh nghiệp và 70% là vốn vay (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD). Công suất nhà máy sau khi nâng cấp sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu dầu thô/năm, đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5 và chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Dự kiến, trong tháng 12/2016, Công ty sẽ chọn lựa xong đơn vị tư vấn thu xếp vốn cho dự án.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn BSR, đến năm 2022, chúng ta buộc phải đạt được tiêu chuẩn Euro 5. Hiện nay xăng dầu mới đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 tức là hàm lượng lưu huỳnh (sulfur) trong xăng không vượt quá 500 mg/kg vì vậy cần nâng cấp bổ sung nhiều phân xưởng để giải quyết vấn đề này. Sau khi nâng cấp mở rộng (NCMR), Nhà máy sẽ chế biến được loại dầu rẻ hơn, hiệu quả sẽ cao hơn đáp ứng được nhu cầu cao hơn. Hiện nay, BSR đánh giá chi tiết hơn 75 loại dầu thô và đưa về chế biến thành công trên 15 loại dầu thô. Sau khi nâng cấp mở rộng sẽ chế biến được trên 200 loại dầu thô, độ linh động sẽ cao hơn. Hiện tại chi phí dầu thô tại Việt Nam chiếm tới 85%. Vì vậy, nỗ lực của BSR là nỗ lực tìm phương án, giải pháp để mang lại chi phí lọc dầu thấp nhất.
Về dự án NCMR Nhà máy, công tác triển khai đầu tư dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra như công tác FEED, tái định cư, san lấp; công tác đền bù, GPMB; triển khai công tác lựa chọn nhà thầu EPC... Dự kiến, đến tháng 4/2017, dự án sẽ hoàn thành hợp đồng FEED. Tiểu dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư sẽ hoàn thành trước tháng 5 năm 2017…
Ban Quản lý dự án NCMR đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án như: cử các đoàn công tác, phối hợp với nhà thầu trong quá trình xem xét đánh giá thiết kế FEED; Thuê tư vấn JGC xem xét, đánh giá kết quả lập dự toán của nhà thầu AFW (Anh Quốc). Ngoài ra, BSR cùng các nhà thầu cũng sẽ đảm bảo các đặc tính kỹ thuật của các phân xưởng bản quyền hiện hữu; đưa ra chiến lược kết nối nhà máy với phần NCMR…