Buôn lậu, làm giả khẩu trang vẫn "nóng"

Những ngày gần đây, tình trạng buôn lậu khẩu trang, sản xuất khẩu trang kém chất lượng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 22/2/2020, Cục QLTT Thái Nguyên đã thu giữ 4.000 chiếc khẩu trang không nhãn mác, chứng từ đang chuẩn bị được đưa ra thị trường lưu thông.

Những ngày gần đây, tình trạng buôn lậu khẩu trang, sản xuất khẩu trang kém chất lượng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm với số lượng hàng hóa lớn, thủ đoạn tinh vi.

buôn lậu khảu trang
Lực lượng QLTT Thái Nguyên thu giữ 4.000 chiếc khẩu trang không nhãn mác, hóa đơn chứng từ được thu gom từ Tp. Hồ Chí Minh mang về Cao Bằng tiêu thụ

Tại Thái Nguyên, ngày 22/2/2020, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 15A-476.74 lưu thông trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.

Qua công tác khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có 4.000 chiếc khẩu trang y tế không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do ông Trạc Văn Bảo trú tại 228 đường Hùng Vương, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là chủ hàng.

Ông Bảo khai nhận mua số khẩu trang trên tại TP. Hồ Chí Minh để mang về Cao Bằng tiêu thụ. Đội QLTT số 2 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trạc Văn Bảo và tịch thu toàn bộ số khẩu trang nêu trên theo quy định.

Trước đó, ngày 20/2/2020, Cục QLTT Bình Dương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang do ông Cao Hoàng Mai làm chủ, địa chỉ: Số 199 đường Phú Châu, khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất 2 loại khẩu trang hiệu Ngô Trung và Famima nhưng không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng.

Đoàn kiểm tra tạm giữ 15.000 đơn vị sản phẩm khẩu trang thành phẩm (7.500 sản phẩm mang nhãn hiệu Ngô Trung, có ghi địa chỉ sản xuất trên nhãn là 1283, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức,TP HCM và 7.500 đvsp mang nhãn hiệu Famima có địa chỉ sản xuất ghi trên nhãn là 309/23, đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức, TP HCM nhưng thực tế đang sản xuất tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Xét tính chất phức tạp của vụ việc, Đoàn kiểm tra thống nhất giao Đội Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

buôn lậu khẩu trang
Trong ngày 23/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 64 vụ; xử lý 9 vụ việc vi phạm, tổng số tiền xử phạt 4.5 triệu đồng

Tại Hà Nội, thông tin về vụ việc đang “nóng” nhất hiện nay - tình hình thu gom khẩu trang đã qua sử dụng, Cục QLTT Hà Nội cho biết ngày, 19/2/2020, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Y tế huyện Sóc Sơn kiểm tra, phát hiện bên trong ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn cất giấu 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng.

Qua xác minh, Công an huyện Sóc Sơn xác định ông Nguyễn Minh Nguyên (24 tuổi, trú tại xã Thành Công, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên từ khu vực TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc mang về tập kết tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn.

Hiện, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Y tế huyện Sóc Sơn tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên. Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 10/2/2020, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Sóc sơn kiểm tra, tạm giữ 17.500 chiếc khẩu trang của một cơ sở tại sản xuất tại thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Đội QLTT số 10 hiện đang củng cố hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định.

Chiều 23/3/2020, báo cáo mới nhất của lực lượng QLTT cả nước cho biết, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.

Tính từ ngày 31/1 đến ngày 23/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 5.013 vụ vi phạm kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước, trong đó tập trung vào mặt hàng khẩu trang.

Riêng trong ngày 23/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 64 vụ; xử lý 9 vụ việc vi phạm, tổng số tiền xử phạt 4.5 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm về nhãn, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Hạ An