Đó là câu hỏi khi học và trao đổi, nghiên cứu, viết về ngành Công nghiệp.
Công nghiệp, là một bộ phận của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được "chế tạo, chế biến" cho nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh tiếp theo… (định nghĩa của Wikipedia)
Năm 1992, nước ta áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts, viết tắt là SNA) thay cho hệ thống bảng cân đối vật chất MPS) xem Thực chất GDP là gì? (Saigontimes)
Trước đó, một số chuyên gia nước ngoài trao đổi với chuyên gia Tổng cục Thống kê Việt Nam về phân chia ngành kinh tế: Theo họ, nền kinh tế gồm ba khu vực: Khu vực 1 là các hoạt động tác động vào tự nhiên để có sản phẩm, gồm nông nghiệp và khai khoáng; Khu vực 2 là chế biến (chế tác) các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên (sản phẩm của khu vực 1), Khu vực 3 là phần còn lại bao gồm các dịch vụ. Đây là quan niệm kế thừa quan niệm của các nhà kinh tế Pháp theo trường phái trọng nông ở thế kỷ 18, chỉ ra được phần khai thác thô (khoáng sản và nông sản sơ chế) để tính được giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến.
Ngành công nghiệp dưới đây gồm: Công nghiệp khai thác mỏ; Công nghiệp chế biến; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước; đương nhiên bao gồm doanh nghiệp các thành phần kinh tế tham gia.
Theo các Nghị định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, bước đầu nhận thấy các Bộ quản lí nhà nước đối với hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp, như sau:
1. Bộ Công Thương quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Trong công nghiệp, “bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác”. Bộ có các Vụ quản lí nhà nước về công nghiệp bao gồm: Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Công nghiệp nặng; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghiệp nhẹ; Cục Công nghiệp địa phương; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Hóa Chất; Cục Điều tiết điện…
2. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế (bao gồm cả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác)” Như vậy Bộ quản lí đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Công nghiệp, Bộ có Vụ Kinh tế công nghiệp...
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng: phân bón, thức ăn chăn nuôi; Chỉ đạo kỹ thuật sản xuất, thu hoạch muối; Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thuỷ sản; Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực chế biến gắn với sản xuất và thị trường các ngành hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; chính sách phát triển cơ điện nông nghiệp, ngành nghề, làng nghề gắn với hộ gia đình và hợp tác xã. Bộ có Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối...
4. Bộ Giao thông vận tải: Quy định việc thẩm định thiết kế kỹ thuật trong sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải; Quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện hoạt động của cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam,…
5. Bộ Xây dựng: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng quốc gia, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng vùng, quy hoạch phát triển xi măng, các chương trình quốc gia về vật liệu xây dựng...
6.Bộ Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin, điện tử; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử,... Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách quản lý và các quy định liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử;...
7. Bộ Y tế: Quản lí nhà nước về dược và mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm (phần đầu ra của sản phẩm)
Văn phòng Chính phủ: Với chức năng tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ, có Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Kinh tế ngành. Các Bộ khác tham gia quản lí nhà nước đối với ngành Công nghiệp về một số lĩnh vực như nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đo lường, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ,...
BBT
Xem liên kết:
Quyết định 10/2007/QĐ-TTG ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam QD10TTG.DOC
Quy định về tổ chức : Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ