TÓM TẮT:
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển hùng mạnh, đặc biệt trong quan hệ đối tác kinh tế chiến lược với Mỹ. Bài viết này phân tích các cơ hội như mở rộng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư và phát triển ngành công nghiệp chủ lực, cùng các thách thức bao gồm cạnh tranh khu vực và các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe. Qua đó, đề xuất các chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế cạnh tranh và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Từ khóa: doan nghiệp Việt Nam, kinh tế chiến lược, cơ hội, thách thức, Việt Nam, Mỹ.
1. Đặt vấn đề
Trong thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những thị trường tăng trưởng năng động nhất Đông Nam Á nhờ sự ổn định chính trị, chi phí sản xuất thấp và chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng (Nguyen và Le, 2022). Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, cùng sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, đang mở ra cơ hội và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy sự gia tăng hợp tác Việt - Mỹ đóng vai trò chiến lược trong thúc đẩy phát triển kinh tế của cả hai quốc gia (Tran và Bui, 2023). Lý thuyết về chuỗi cung ứng toàn cầu (Gereffi, 1999) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra sự linh hoạt và khả năng đổi mới là yếu tố quyết định để doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy biến động (Porter, 1985). Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khả năng đổi mới, nâng cao năng suất lao động và áp dụng công nghệ mới là “kim chỉ nam” để Việt Nam vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng từ các hiệp định thương mại và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và mở rộng hợp tác quốc tế là các bước đi cần thiết để củng cố vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
2. Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc đón đầu làn sóng thời đại mới
Trong suốt thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên khẳng định vai trò như một trong những thị trường tăng trưởng sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Với lợi thế về sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà còn tạo dấu ấn mạnh mẽ nhờ chiến lược hội nhập toàn cầu sâu rộng, đặc biệt là quan hệ đối tác kinh tế chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng phát triển bền vững, cùng tác động từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và IPEF đã mở ra những cơ hội song hành với thách thức chưa từng có. Giữa bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới và linh hoạt thích ứng để bảo toàn lợi thế cạnh tranh và duy trì vị thế trong nhịp sóng thời đại.
2.1. Những ưu thế vượt trội trong hợp tác Việt Nam - Mỹ
Chính sách thương mại và đối ngoại quốc tế hiện nay đang mở ra những cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuyên suốt quý I và quý II của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ước tính đạt khoảng 33,09 tỷ USD, chiếm 91,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc nội, một tỷ lệ ấn tượng. Điều này không chỉ phản ánh sự gắn kết chặt chẽ với thị trường Mỹ, còn minh chứng cho sức mạnh cạnh tranh vượt trội của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, các hiệp định thương mại quốc tế và xu hướng hội nhập toàn cầu đang tạo ra những cơ hội mới để doanh nghiệp Việt mở rộng tầm ảnh hưởng và gia tăng sự hiện diện trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Việc Mỹ tiếp tục thực hiện các chính sách thúc đẩy hợp tác với các nền kinh tế phát triển ở khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa. Năm 2024, các ngành xuất khẩu của Việt Nam đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển, đặc biệt ở các lĩnh vực sau:
Ngành Dệt may tiếp tục là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu quốc gia, đặc biệt tại thị trường Mỹ, nơi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Báo Công Thương 2024 đã đề cập đến việc xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt khoảng 44 tỷ USD. Việt Nam vẫn giữ vị thế là một trong những nhà cung cấp chính các sản phẩm quần áo và vải cho thị trường Mỹ, nhờ vào các hiệp định thương mại thuận lợi, mang lại lợi thế về thuế quan cũng như ưu đãi về nguyên liệu. Những yếu tố này đã giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không ngừng củng cố vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành Giày dép đóng vai trò trọng khá trọng yếu trong thị trường Mỹ. Vào năm 2020, Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần nhập khẩu giày dép của Mỹ, với các thương hiệu lớn như Nike, Adidas và Puma tin tưởng vào các nhà sản xuất Việt Nam nhờ chất lượng ổn định và chi phí sản xuất hợp lý. Xu hướng này tiếp tục phát triển vào năm 2024, với nhu cầu từ các thương hiệu quốc tế duy trì ổn định (Vietnam Economic News, 2024).
Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu trong ngành Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm, nhờ vào lợi thế vượt trội về tài nguyên biển phong phú, lực lượng lao động dồi dào và có kinh nghiệm, cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Xuất khẩu tôm của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, nơi sản phẩm này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Dự báo trong năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, chiếm thị phần lớn tại thị trường Mỹ và tiên liệu chạm mốc 4 tỷ USD doanh thu, theo dữ liệu của The Saigon Times.
Ngành Điện tử là một lĩnh vực phát triển nổi bật của Việt Nam. Việt Nam đã được công nhận như một địa điểm mấu chốt trong việc lắp ráp linh kiện điện tử cho các sản phẩm của hai thương hiệu ghi dấu ấn sâu đậm trên trường thế giới là Apple và Intel. Những lợi thế đó bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi của Chính phủ và khả năng sản xuất chi phí thấp. Theo Vietnam Sourcing Hub, chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy ngành Điện tử (như các ưu đãi thuế), thành lập các khu công nghiệp công nghệ cao và đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực (2023). Điều này giúp Việt Nam không chỉ đơn thuần thực hiện lắp ráp, mà còn chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối thương mại trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với sự hội nhập sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và cam kết cải cách kinh tế, Việt Nam có tiềm năng trở thành một “hub” (nút thắt) trung chuyển quan trọng giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế khu vực. Những lợi thế này không chỉ tạo động lực cho ngành Logistics và vận tải biển phát triển mạnh mẽ mà còn thúc đẩy sự bứt phá của các ngành công nghiệp phụ trợ, qua đó gia tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Việc nâng cấp hạ tầng cảng biển và áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý chuỗi cung ứng sẽ là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội từ vai trò đầu mối này (Nguyen và Hoang, 2023; Tran và Bui, 2023). Việc Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn củng cố vị thế địa chính trị của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược tại khu vực.
Những ngành trên đang đóng góp vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, không chỉ mở ra các cơ hội để mở rộng thị trường, mà còn có thể tăng trưởng nhờ vào các chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, gồm các hiệp định song phương và các thỏa thuận thương mại. Chúng tạo ra một nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ và các thỏa thuận hợp tác mới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong đầu tư và chuyển giao công nghệ. Các tập đoàn đa quốc gia đang hướng tới việc tìm kiếm các quốc gia có chi phí lao động cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi, như Việt Nam, để mở rộng sản xuất và cung ứng, từ đó gia tăng cơ hội hợp tác và phát triển lâu dài (Hong, 2019).
2.2. Thách thức trong môi trường thương mại mới
Tuy nhiên, song hành với cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức to lớn. Một trong những trở ngại lớn nhất là làm thế nào để duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhiệm kỳ thứ 45, chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" đã làm gia tăng những lo ngại về việc áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam (Nga và các cộng sự, 2024). Chính sách này nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước của Mỹ, đặc biệt là các ngành công nghiệp chiến lược như thép, dệt may và nông sản. Các biện pháp bảo vệ như thuế nhập khẩu cao đã đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, vốn đang tìm cách duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Chính sách bảo hộ này, dù mang lại lợi ích cho nền sản xuất trong nước của Mỹ, lại làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa ngoại nhập, trong đó có các sản phẩm từ Việt Nam. Cụ thể, các mặt hàng như thép, dệt may và nông sản của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ các mức thuế quan cao, có thể làm tăng giá thành sản phẩm, khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh với các nhà sản xuất khác, đặc biệt là ở những thị trường như Mỹ. Thêm vào đó, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định an toàn và bảo vệ người lao động cũng ngày càng khắt khe hơn, tạo ra một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nâng cao tiêu chuẩn và cải thiện công nghệ sản xuất (Nguyen và Pham, 2022).
Ngoài các yếu tố kinh tế và thương mại, chất lượng sản phẩm đã trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo vệ môi trường đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp tiếp cận và duy trì sự phát triển bền vững. Những tiêu chuẩn này không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng, mà còn thúc đẩy họ phải chuyển mình trong đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất (Nguyen và Pham, 2022). Chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm hiện nay tại các thị trường phát triển như Mỹ đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định cực kỳ nghiêm ngặt, đặc biệt đối với các ngành xuất khẩu như thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến sẵn. Hơn nữa, các quy định bảo vệ quyền lợi người lao động và trách nhiệm với môi trường đã được đưa lên hàng đầu trong các yêu cầu xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc cải thiện điều kiện lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng nguyên liệu bền vững.
Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á đang trở thành một yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia - những đối thủ nổi bật - đang cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư từ các công ty Mỹ nhờ vào chính sách mở cửa, cải cách thể chế và các thỏa thuận thương mại khu vực (Nguyen và Hoang, 2023). Họ cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt trong các ngành hàng chủ lực như điện tử, dệt may và nông sản, làm gia tăng áp lực đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc duy trì thị phần tại thị trường Mỹ (Le và Hoang, 2022). Chính sự chuyển dịch này đã tạo ra những thử thách không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam, yêu cầu họ phải linh hoạt và chủ động hơn trong nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
3. Chiến lược tối ưu hóa cơ hội nguồn lực và đối phó với các thách thức
Để có thể “uyển chuyển đón đầu sóng” trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đang chuyển mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai những chiến lược sau:
Đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất: trong bối cảnh các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Mexico và các nước Đông Nam Á cũng gia tăng xuất khẩu và cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư từ các công ty Mỹ, việc đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến và tăng cường năng lực sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và áp dụng các xu hướng mới trong công nghệ, như sản xuất thông minh, tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Nguyen và Le, 2023).
Tăng cường xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng: các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ. Việc tham gia các chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm (ISO, HACCP, GlobalGAP và các chứng nhận về trách nhiệm xã hội (CSR)) sẽ giúp tăng cường uy tín, khẳng định sự cam kết với chất lượng và môi trường và củng cố sự tin tưởng của khách hàng quốc tế (Pham và Hoang, 2022).
Mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm: dù Mỹ là thị trường chiến lược hàng đầu, việc mở rộng hiện diện tại các khu vực trọng điểm khác như châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia Asean là một bước đi tất yếu để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Song song đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển những dòng sản phẩm đột phá, có giá trị gia tăng vượt trội, đồng thời thích ứng linh hoạt với những thay đổi không ngừng trong xu hướng tiêu dùng (Le và Chan, 2023).
Tận dụng các hiệp định thương mại: Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Việt Nam và Mỹ đã ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) từ năm 2000, giúp duy trì hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Các hiệp định này, đặc biệt là EVFTA và RCEP, tạo ra ưu thế cạnh tranh nổi bật trong việc giảm thuế quan và tăng cường hợp tác kinh tế (2023). Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định này để mở rộng thị trường và giảm chi phí xuất khẩu.
4. Kết luận
Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Donald Trump đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm chính thức không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia. Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực, những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, cùng yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch và bền vững.
Trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng và vượt qua thách thức bằng cách xây dựng chiến lược toàn diện, đặt sự sáng tạo và linh hoạt làm cốt lõi. Việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu là những trụ cột không thể thiếu. Cùng lúc, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia, biến thách thức thành đòn bẩy, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ khi kết hợp tinh thần nhạy bén, sự đổi mới táo bạo và chiến lược dài hạn, Việt Nam mới có thể duy trì vị thế là một trung tâm sản xuất, một "con rồng" dẫn đầu xu hướng trong khu vực và trên thế giới. Đó là con đường để không chỉ củng cố sức mạnh nội tại mà còn tạo dựng một vị thế bền vững, vươn xa hơn trên bàn cờ kinh tế toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Bộ Công Thương Việt Nam. (2022). CPTPP - Hiệp định đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21. Bộ Công Thương Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/cptpp-hiep-dinh-dau-tien-duoc-thuc-thi-cua-the-ky-21.html
(2) Nguyen, T., Le, D., Hoang, P. (2023). Regional Competitiveness and Investment Attraction in Southeast Asia. Journal of International Trade Studies, 15(2), 45-60. Truy cập tại: https://doi.org/10.1016/j.jits.2023.02.005.
(3) Porter, M. (1985). Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance. Free Press.
(4) The Saigon Times. (2024). Shrimp exports forecast to rise by 15% in 2024. Truy cập tại: https://english.thesaigontimes.vn/shrimp-exports-forecast-to-rise-by-15-in-2024/
(5) Thomas. (2023). Vietnam’s Electronics and Components Industry: An Overview. Vietnam Sourcing Hub. Truy cập tại: https://ven.congthuong.vn/leather-footwear-sector-to-regain-growth-momentum-in-2024-49821.html
(6) Tổng cục Hải quan Việt Nam. (2024). Xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2024: Nhóm hàng nông sản tăng trưởng cao nhất. Tổng cục Hải quan Việt Nam. Truy cập tại: http://customs.gov.vn:8228/index.jsp?pageId=3244&aid=203617&cid=5271
(7) Tran, Q., & Bui, M. (2023). Opportunities and Challenges in Vietnam-US Trade Relations. Vietnam Journal of Trade and Industry.
(8) Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương. (2023). Kinh tế Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bộ Công Thương Việt Nam. Truy cập tại: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/kinh-te-viet-nam-khi-gia-nhap-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-5717.4050.html
(9) Viet Nga. (2024). Leather, footwear sector to regain growth momentum in 2024. Vietnam Economic News. Truy cập tại: https://ven.congthuong.vn/leather-footwear-sector-to-regain-growth-momentum-in-2024-49821.html
(10) Gereffi, G. (1999). Global Value Chains and Development. Journal of International Economics. Truy cập tại: https://doi.org/10.1017/9781108559423
(11) John Miller. (2024). TDM Insight: Vietnamese Exports Rebound in 2024. Trade Data Monitor. Truy cập tại: https://tradedatamonitor.com/datanews/vietnam-boosted-exports-16-8-year-on-year-to-92-9-billion-in-the-first-quarter-underpinning-gross-domestic-product-growth-of-5-7/
(12) Le, T. and Hoang, P. (2022). Export Dynamics and Market Competition in the US Market: The Case of Southeast Asia. Asia-Pacific Business Review, 29(1), 79-95. Truy cập tại: https://doi.org/10.1016/j.apbr.2022.01.009.
(13) Nga, L, T, V., Tuan, N, M., Nguyet, T, M., Nga, V, T, T., Linh, D, T, T., Lan, N, T, H., & Giang, P, N, L. (2024). Một số chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Vietnam Academy of Social Sciences (VASS). Truy cập tại: https://vass.gov.vn/an-pham-vien-han-lam/sach-hang-nam/mot-so-chinh-sach-kinh-te-cua-my-duoi-thoi-tong-thong-donald-trump-1132
(14) Ngọc Quang. (2024). Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?. Tạp chí Thương gia. Truy cập tại: https://thuonggiaonline.vn/chau-a-duoc-va-mat-gi-tu-ke-hoach-thue-quan-cua-ong-donald-trump-post556367.html
(15) Nguyễn Vy. (2024). Mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024 hoàn toàn khả thi?, Công Thương. Truy cập tại: https://giaothuong.congthuong.vn/muc-tieu-xuat-khau-det-may-dat-44-ty-usd-nam-2024-hoa-n-toa-n-kha-thi-352073.html&link=autochanger
(16) Nguyen, P., & Le, T. (2022). Vietnam’s Economic Integration in the US Market. Asian Economic Review.
(17) Nguyen, T. and Pham, L. (2022). Sustainable Business Practices in Vietnam’s Export Industry. Journal of International Business Studies, 47(3), 213-229. Truy cập tại: https://doi.org/10.1016/j.jibs.2022.03.009.
(18) Hong, N, D, T. (2019). Inward Foreign Direct Investment and Local Wages: The Case of Vietnam’s Wholesale and Retail Industry. Journal of Asian Economics, 65, 101134. Truy cập tại: doi:10.1016/j.asieco.2019.101134
(19) Le, Q., & Tran, M. (2023). Diversification Strategies for Export Growth in ASEAN: Lessons for Vietnamese Enterprises. Journal of International Trade and Economics, 15(3), 78-95.
(20) Nguyen, T., & Le, D. (2023). The Role of Technology in Enhancing Export Competitiveness: Case Studies from Emerging Markets. Journal of Technology Management & Innovation, 18(2), 45-63.
(21) Pham, L., & Hoang, P. (2022). Quality Standards and International Market Entry: Evidence from Southeast Asia. International Business Review, 31(4), 213-232. Truy cập tại: https://doi.org/10.1016/j.ibusrev.2022.03.009.
New opportunities and challenges for Vietnamese enterprises in the US - Vietnam strategic economic partnership
Master. Nguyen Phuong Nhung
Research Institute of Agricultural Machinery, Ministry of Industry and Trade
Abstract:
Vietnam’s economy is experiencing robust growth, particularly in its strategic economic partnership with the United States. This study examines key opportunities, such as expanding exports, attracting investment, and developing critical industries, alongside challenges like regional competition and tightening international standards. Based on this analysis, the study proposes strategies to help Vietnamese enterprises leverage their competitive advantages and enhance their position on the global stage.
Keywords: Vietnamese enterprises, strategic economy, opportunities, challenges, Vietnam, USA.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]