Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ gửi lời chúc mừng sức khỏe và hạnh phúc nhân dịp đầu xuân năm mới đến tất cả lãnh đạo, cán bộ, người lao động tại các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 qua đi với nhiều khó khăn, thách thức, khi phần lớn thời gian đặt vào công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Nếu như từ đầu năm đến tháng 4/2021 cả nước tập trung cho các sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo… thì từ tháng 4, làn sóng dịch thứ tư bùng phát tại tất cả những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, bắt đầu từ những tỉnh công nghiệp của phía Bắc và lan vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Chỉ đến cuối tháng 9 - đầu tháng 10, nhờ có những quyết sách rất đúng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, trong đó có sự tham mưu của ngành Công Thương, chủ trương thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội đã phát huy được tác dụng.
Đến quý III/2021, tăng trưởng GDP vẫn ở mức -6,7%. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế của đất nước đã có những khởi sắc rất đáng ghi nhận. Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%. Để đạt được kết quả này, ngành công nghiệp đã có bước tăng trưởng tới 4,82%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%.
Đặc biệt, các ngành sản xuất hàng xuất khẩu đã đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục ở mức 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 337 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 và đã đưa Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
“Có thể nói, trong thành tích chung, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn Ngành chúng ta, từ các đơn vị thuộc Bộ cho đến doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đã góp phần làm nên những chiến công rất vang dội. Trên các diễn đàn của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ đều đã ghi nhận thành tích vừa nêu và ghi nhận sự đóng góp của Ngành, của Bộ chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Bộ trưởng khẳng định, trong những chiến công đó, có đóng góp rất quan trọng, tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông. Mỗi một cơ quan đóng góp một khía cạnh, giác độ khác nhau, nhưng tựu chung lại đã từng bước làm cho xã hội hiểu hơn, chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành hơn; nhưng đồng thời cũng tư vấn cho Ngành rất nhiều những đường hướng, những chủ trương, chính sách phát triển khá rõ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhưng so với yêu cầu của nhiệm vụ thì còn một khoảng cách nhất định. Vẫn có những hoạt động, đề xuất nhận được những ý kiến trái chiều, chưa được sự đồng thuận của xã hội, tiêu biểu là trong lĩnh vực năng lượng. Những hạn chế thường bị tập trung, trong khi nhiều ưu điểm, kết quả tích cực mà Ngành làm được lại chưa được tuyên truyền, ghi nhận kịp thời.
“Báo chí, truyền thông cần phải nỗ lực hơn nữa để làm cho xã hội hiểu được bản chất của vấn đề, chia sẻ với Ngành; đồng thời tư vấn những bài học rút ra từ những ý kiến dù xuôi chiều hay trái chiều. Nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền thông sẽ nhận được nhiều hơn từ phía xã hội, kể cả sự chia sẻ, kể cả sự đóng góp để chúng ta có những bước phát triển tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một lần nữa biểu dương, hoan nghênh những đóng góp của các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ với những thành tích chung của Bộ đạt được trong năm qua, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, từng cơ quan, đơn vị cần xem xét, rà soát lại những việc làm của mình, dựa vào những định hướng, chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Bộ trong các kỳ giao ban.
Đặc biệt, đối với các cơ quan đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ, cần dựa vào những thông báo kết luận để có được những kế hoạch, việc làm đạt kết quả tốt hơn trong năm tới, đóng góp quan trọng và tích cực hơn với sự nghiệp phát triển của ngành, cũng như đóng góp một cách gián tiếp đối với sự phát triển chung của đất nước.
Theo Bộ trưởng, 2022 sẽ là năm bản lề để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; đồng thời cũng là năm quyết định hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế do Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới ban hành để phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.
“Tất cả những việc này có thành công hay không thì nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn Ngành là một chuyện, nhưng sự đóng góp của khối báo chí, truyền thông nói chung và cơ quan báo chí, truyền thông của Ngành ta nói riêng là rất quan trọng, để làm thế nào cái khó sẽ được tháo gỡ và cái tốt thì sẽ được nhân lên để mỗi ngày một tốt hơn”. Thứ hai, cùng với việc thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch và các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII đã đề ra, thì một trong những việc mà Ngành Công Thương cần tham mưu với cấp có thẩm quyền trong nhiệm kỳ này là tổng kết mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với công nghiệp hóa hiện đại hóa, mục tiêu này đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên trải qua 3 chặng đường dài mà “lỡ hẹn”. Các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến và công nghiệp điện tử còn chưa phát triển. Không còn con đường nào khác, Việt Nam cần phải phát triển những ngành này để đảm bảo nội lực của nền kinh tế phát triển, đủ sức đứng vững trước bất kể sóng gió nào.
Đối với hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thành công ký kết hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trở thành một trong số ít các quốc gia có được những hiệp định thương mại rất quan trọng: 17 hiệp định thương mại với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm tất cả những quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới. Việt Nam cũng là nước khá thành công trong việc thu hút đầu tư với số vốn đầu tư ngày một tăng và dự báo tiếp tục xu thế tăng sau đại dịch.
Tuy nhiên, những mục tiêu đặt ra trong việc thu hút đầu tư FDI như: giải quyết lao động, tăng thu ngân sách, chuyển giao công nghệ để từng bước tiếp cận với công nghệ mới và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa,… đều chưa đạt được. Do vậy, cần nhìn nhận, vấn đề bây giờ phải làm sao nâng cao nội lực nền kinh tế đất nước, làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Những vấn đề này đều rất cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ Công Thương. Bộ trưởng hy vọng, với tinh thần cách mạng tiến công và những kinh nghiệm, bài học đã thu được thông qua rất nhiều năm hoạt động, đặc biệt sau gần một năm qua khi đã có chỉ đạo rất sát sao, cụ thể của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ, thì các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ có những đóng góp quan trọng, tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của toàn Ngành và gián tiếp đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng tới động viên và chúc mừng năm mới cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Công Thương.
Báo cáo với Thứ trưởng, Tổng biên tập Đặng Thị Ngọc Thu cho biết, năm 2021, tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, là một trong những năm khó khăn nhất đối với hoạt động của Tạp chí Công Thương. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ, hoạt động thông tin tuyên truyền của Tạp chí vẫn duy trì thường xuyên, liên tục. Công tác thông tin tuyên truyền đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng. Tính chung cả năm, Tạp chí đã xuất bản hơn 8.000 tin bài trên Tạp chí điện tử và phát hành 40 số Tạp chí bản giấy.
Tạp chí đã thực hiện gần 40 chuyên đề đi sâu vào các mô hình bảo đảm chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất công nghiệp của các địa phương và ngành hàng. Những cách làm hay của các địa phương, doanh nghiệp được mô hình hóa, tổng kết thành các vấn đề lý luận. Các chuyên đề này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.
Đặc biệt, năm 2021, Tạp chí có nhiều cải tiến nhằm số hóa công tác truyền thông, phát triển Tạp chí Công Thương điện tử cả về nội dung và hình thức. Lượng bài viết dạng eMagazine, Infographic, Longform, Video tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu người đọc qua điện thoại. Lượng bạn đọc Tạp chí Công Thương điện tử năm 2021 tăng mạnh. Lượng bài viết của Tạp chí được các diễn đàn kinh tế, Website kinh tế uy tín trích dẫn ngày càng cao.
Bên cạnh đó, Tạp chí Công Thương đã chủ động đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, đáp ứng tốt việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong tình hình mới. Nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm do Tạp chí phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức theo hình thức trực tuyến tập trung vào các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, thu hút nhiều báo đài cùng khai thác thông tin, tạo nên hiệu ứng tốt trong công tác tuyên truyền. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến hoạt động quảng cáo phát hành giảm sút, nhưng Tạp chí vẫn duy trì thu nhập và phúc lợi cho người lao động như các năm trước.
Tổng biên tập Đặng Thị Ngọc Thu cho biết, ngay từ những ngày làm việc đầu xuân mới, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Công Thương đang khẩn trương triển khai những công việc, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị năm 2022.
Trong đó, có hai nhiệm vụ quan trọng mà Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương giao là xây dựng Phòng Truyền thống và Bộ biên niên sử ngành Công Thương.
Hiện nay các phần việc đang tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, mục tiêu đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải biểu dương những nỗ lực, quyết tâm và bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả đạt được trong năm 2021 của Tạp chí Công Thương.
“Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, Tạp chí Công Thương đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị được Bộ Công Thương giao và công tác thông tin tuyên truyền của năm 2021, nhất là đảm bảo thu nhập của cán bộ, người lao động. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Tạp chí Công Thương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng nhận định, năm 2022, tình hình thực hiện nhiệm vụ sẽ còn nhiều thách thức, nhưng dự báo sẽ khởi sắc, bớt khó khăn hơn so với năm 2021. Vì vậy, tin rằng với sự lãnh đạo của Ban biên tập và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, người lao động, Tạp chí Công Thương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động.
Một số hình ảnh Lãnh đạo Bộ Công Thương thăm quan Tạp chí Công Thương