Thống nhất công tác tổ chức quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất
Theo đó, Cục Hóa chất đã tập trung phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời tập trung vào việc xây dựng bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoá chất làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về hóa chất, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về hóa chất.
Triển khai thực hiện Luật Hóa chất, UBND các tỉnh thành đã tiến hành giao nhiệm vụ quản lý hoạt động hóa chất tại địa phương cho các Sở ngành, địa phương. Trong đó, Sở Công thương là cơ quan chuyên môn đầu mối quản lý nhà nước hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh, trực tiếp quản lý hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, UBND các tỉnh thành đã nhanh chóng chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị, ban ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều nội dung của Luật Hóa chất, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch phổ biến, hướng dẫn nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới các cơ quan, tổ chức và các đối tượng hoạt động hóa chất tại địa phương được phân công quản lý; ban hành các văn bản quản lý hành chính để quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn như: Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; quy chế phối hợp, trao đổi thông tin quản lý nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ nắm bắt thông tin tình hình hoạt động hóa chất trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hóa chất; huy động lực lượng tại chỗ thực hiện các biện pháp ứng cứu, sơ tán người, bảo vệ tài sản khi có sự cố hóa chất xảy ra.
Về cơ bản, công tác tổ chức quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn các tỉnh thành đã đảm bảo tính thống nhất, khách quan và chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ban ngành có liên quan đã tiến hành sắp xếp nhân sự, phân công nhiệm vụ cho các phòng ban, thực hiện theo dõi, quản lý hoạt động hóa chất theo sự phân công. Tuy nhiên, nhân lực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất còn mỏng, hạn chế. Nhiều Sở ngành, UBND huyện, thành phố thiếu cán bộ chuyên môn, kinh nghiệm về công tác quản lý hóa chất, thường là kiêm nhiệm.
Theo số liệu báo cáo từ 58 Sở Công Thương, số lượng lãnh đạo Sở Công Thương được phân công theo dõi chuyên trách về hóa chất còn hạn chế chỉ có 6 Lãnh đạo cấp sở. Số lượng công chức được phân công chuyên trách về quản lý hóa chất là 25 người, công chức được phân công kiêm nhiệm 34 người.
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Hóa chất
Để Luật Hóa chất thực sự phát huy hiệu quả, từng bước đi sâu vào đời sống xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý hóa chất tại trung ương và địa phương luôn quan tâm chú trọng và nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật trong lĩnh vực hóa chất cho cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hóa chất đã được triển khai trên diện rộng với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, các hiệp hội ngành hàng đến các cơ quan quản lý nhà nước và cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên tại trường đại học trong cả nước.
Hình thức tuyên truyền đa dạng gồm giải đáp pháp luật, tổ chức hội thảo, diễn đàn, khóa đào tạo, phát hành nhiều loại ấn phẩm, báo cáo nghiên cứu, tờ rơi… Nội dung tuyên truyền không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn đề cập đến thực tế hoạt động hóa chất, từ đó tạo cơ hội phân tích, tranh luận sâu rộng về nhiều vấn đề bất cập trong quy định của Luật Hóa chất và trong hoạt động thực thi của cơ quan quản lý.
Trong một vài năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hóa chất. Nhiều doanh nghiệp đã có các bộ tài liệu và tập huấn nội bộ để trang bị cho nhân viên kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hóa chất cho nhân viên.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hóa chất của các cơ quan quản lý cũng có thể được phản ánh qua mức độ nhận thức của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Hiểu biết của doanh nghiệp về Luật Hóa chất không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực hóa chất mà còn có ý nghĩa tích cực đối với chính hoạt động hóa chất của doanh nghiệp.
[Quảng cáo]