Hóa chất đồng hành, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá
Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu với những nhà máy phân bón, hoá chất tiêu dùng tại miền Bắc do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ với mục đích cung cấp phân bón và một số loại hoá chất phục vụ tiêu dùng.
Ngành công nghiệp hóa chất là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Ngay từ giai đoạn hình thành, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Ngành công nghiệp hóa chất đã từng bước đạt kết quả đáng khích lệ, đã có những đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của nhiều thập kỷ trước và đồng hành, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, phát triển kinh tế, xã hội trong những thập kỷ gần đây.
Hiện nay, ngành hóa chất Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành 10 phân ngành chính, bao gồm: hóa dầu; hóa chất cơ bản (bao gồm cả hoá chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); phân bón; hóa dầu; sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy); hóa chất bảo vệ thực vật; sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác.
Theo các tài liệu thống kê, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Báo cáo của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, toàn ngành hóa chất có khoảng 1.818 doanh nghiệp sản xuất phân bổ trên 6 vùng trong cả nước trong đó 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 6%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%)… với khoảng 2,7 triệu lao động trong đó có 725.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.
Năm 2020, bên cạnh các ngành tăng trưởng cao hơn so với năm 2019 (như ngành sản xuất kim loại: 14,4%; khai thác quặng kim loại: 13,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế: 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: 11,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy: 7,9%;…) ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (chưa bao gồm ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu) gia tăng 7,3% so với năm 2019 (Tổng Cục thống kê).
Dự báo, tăng trưởng ngành công nghiệp hóa chất trong thời gian tới sẽ tăng lên, khi các dự án đang triển khai hoàn thành và đi vào hoạt động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực hóa dầu, cao su…
Về trình độ công nghệ: các dự án đầu tư trong khoảng 10 năm trở lại đây (như dự án đầu tư FDI thuộc lĩnh vực hoá dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung, hoá chất cơ bản, khí công nghiệp Airliquid, Messer, săm lốp ô tô Brigestone, Sailoon, Kumho, một số nhà máy phân bón, hoá chất thuộc PVN, Vinachem, TKV và sắp tới là tổ hợp công nghiệp xút clo-PVC của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tại Nghi Sơn) sử dụng công nghệ tiên tiến, còn lại là các nhà máy hoá chất nhỏ, sản xuất đơn lẻ một số sản phẩm truyền thống với trình độ chỉ ở mức trung bình.
Giá trị xuất khẩu hóa chất trong giai đoạn 2015-2020 đều tăng qua các năm, giá trị xuất khẩu năm 2020 bằng 186% giá trị xuất khẩu của năm 2015, dao động trong khoảng 3,8-4,2% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Giá trị nhập khẩu hóa chất trong giai đoạn 2015-2020 cũng đều tăng qua các năm, giá trị nhập khẩu năm 2020 bằng 166% giá trị nhập khẩu của năm 2015, dao động trong khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.
Hướng tới xuất khẩu các sản phẩm hóa chất
Bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển công nghiệp để xây dựng ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức được vấn đề cần thiết và cấp bách này, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương tiến hành lập Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040.
Theo đó, để hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra của giai đoạn trước cũng như trong giai đoạn tới: phát triển bền vững ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam, tiến tới trở thành ngành công nghiệp hiện đại với cơ cấu ngành tương đối đồng đều, hoàn chỉnh gồm các lĩnh vực như: phân bón, cao su kỹ thuật và tiêu dùng, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng dần đáp ứng được nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu tiêu phát triển, Cục Hóa chất đề xuất một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong thời gian tới:
Nghiên cứu, lựa chọn địa điểm phù hợp, xây dựng các giải pháp thu hút các nhà đầu tư để hình thành các tổ hợp hoá chất tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường và phục vụ cho phát triển công nghiệp hoá chất có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp. Nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu và tại các châu lục khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…) đã rất thành công với mô hình này, gián tiếp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tổ hợp.
Xây dựng, áp dụng chính sách phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên. Đẩy mạnh phát triển các phân ngành và sản phẩm hóa chất có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế so sánh, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế (hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược...).
Đẩy mạnh việc ban hành các quy chuẩn về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm hóa chất và hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng; xây dựng giải pháp thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất theo hướng sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm hóa chất khác.
Đề xuất, xây dựng giải pháp phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người; các sản phẩm công nghiệp hóa chất có thương hiệu, uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục và tăng cường các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin cho các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về vai trò, vị trí, sự cần thiết của ngành công nghiệp hoá chất.
Xây dựng, đề xuất các chính sách để phát triển và quản lý mạng lưới các tổ chức tư vấn hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất.
Xây dựng cơ chế phối hợp quản lý các hoạt động hóa chất và điều chỉnh linh hoạt theo xu thế: khai báo đăng ký dự án trên cổng thông tin điện tử, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng và giám sát đánh giá đầu tư theo quy định hiện hành….
Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất.
[Quảng cáo]