Các dự án thủy điện: Sẽ rút giấy phép nếu không trồng bù rừng

Trồng bù rừng được coi là một nội dung quyết định tính khả thi của dự án thủy điện. Nếu diện tích trồng bù quá lớn hoặc không có quỹ đất thì coi như dự án đó không hiệu quả về kinh tế-xã hội, không kh

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2015, diện tích trồng bù rừng của các dự án thủy điện là 7.709 ha, đạt 51,1% kế hoạch. Các dự án thủy điện lớn, chủ yếu nằm ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, việc trồng bù rừng đều đạt kết quả cao.

Rút giấy phép nếu không trồng bù rừng

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và gìn giữ môi trường cho các khu vực nhường đất làm thủy điện, từ nhiều năm qua, các chủ dự án thủy điện đã có nhiều nỗ lực trồng bù rừng thay thế và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cũng có một số chủ dự án thủy điện “chây ỳ” trong việc trồng bù rừng. Vì vậy, tháng 10/2015, đang là Phó Thủ tướng Chính phủ, khi nghe báo cáo từ Bộ NN-PTNT về tình trạng này, ông Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Từ nay trở đi, các dự án mới khi phê duyệt đầu tư, báo cáo khả thi phải có phương án trồng rừng thay thế và bố trí quỹ đất cụ thể. Phải coi đây là một nội dung quyết định tính khả thi của dự án. Nếu diện tích trồng bù quá lớn hoặc không có quỹ đất thì coi như dự án này không hiệu quả về kinh tế-xã hội, không khả thi và phải xem xét loại bỏ ngay.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã đề ra 3 phương án đối với việc trồng bù rừng tại các dự án thủy điện: Thứ nhất, đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư phải hoàn thành tiến độ theo đúng phương án đã phê duyệt.

Thứ hai, những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực 1 năm. Sau một năm, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ sẽ xử lý vi phạm theo quy định.

Thứ ba, đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.

Nỗ lực của doanh nghiệp lớn

Là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy điện lớn của cả nước, trong những năm qua, EVN luôn xác định việc trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện là nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.

Căn cứ các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tổng diện tích rừng trồng bù của các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư hoặc có cổ phần khoảng 13.063ha. Tập đoàn này đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện trên cả nước với tổng diện tích phải trồng gần 12.860ha.

Trong đó, có 3 dự án Thủy điện ở khu vực miền trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm A Vương, Sông Ba Hạ và Buôn Tua Srah; 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu gồm thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2.

Riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện

Việc triển khai trồng bù rừng được thực hiện theo phương thức là chủ đầu tư thủy điện chuyển tiền về tài khoản của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương theo 2 đợt để địa phương tổ chức trồng bù. Cho đến nay, EVN đã chỉ đạo các đơn vị chuyển xong 472.917 trên 760.182 tỷ đồng đợt 1 để các địa phương triển khai trồng và chăm sóc năm thứ nhất cho tổng số diện tích nêu trên.

Trong năm 2016 và năm 2017, EVN sẽ tiếp tục chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để các địa phương tiếp tục chăm sóc các năm tiếp theo, theo kế hoạch thực hiện của địa phương.

Vũ Lâm